Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị, xã hội và sự nỗ lực của NHCSXH đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Tín dụng chính sách giúp phụ nữ vùng cao thoát nghèo
Nằm dưới chân khu dinh thực Vua Mèo, HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) đã phát triển vươn lên, trở thành điểm nhấn trong quần thể du lịch ở cao nguyên đá Đồng Văn, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ ở địa phương, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Chị Vàng Thị Cầu người dân tộc Mông, hiện là tổ trưởng tổ sản xuất của HTX Lanh Trắng chia sẻ, với mong muốn tạo việc làm cho phụ nữ quê mình, tháng 3/2018 chị đã tổ chức các lớp dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện, đồng thời sáng lập ra HTX Lanh Trắng. Dù biết rằng đây là công việc không hề đơn giản, nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của mình, chị đã từng bước tháo gỡ khó khăn. UBND huyện đã cấp cho HTX 200 ha đất để trồng cây lanh và vay vốn từ NHCSXH với với nhiều chính sách ưu đãi, đến nay chị em đã có thu nhập thường xuyên với thu nhập từ 4,5 triệu đồng/người/tháng, đây là số tiền thực sự giúp chị em từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chị Vàng Thị Cầu (bìa phải),Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn giới thiệu công đoạn làm ra sản phẩm lanh vớ (Ảnh: TL) |
Cũng tìm tới ngân hàng trong tâm thế “cực chẳng đã”, song các thành viên của HTX Tuấn Tú (Ninh Phước, Ninh Thuận) đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.
Chị Châu Thị Âm, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng là thành viên của HTX nhớ lại, trước đây chị phải mất gần chục năm từ 2008 đến cuối 2016 để vay vốn chăn nuôi thoát nghèo. Song chỉ với việc chuyển đổi trồng măng tây từ năm 2017, trong đó có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, mà đến nay 3 sào măng tây cho một năm 8 tháng thu hoạch với lãi ròng bình quân 1 triệu đồng/ngày, đời sống gia đình chị đã cải thiện nhanh chóng chỉ trong hơn 2 năm trở lại đây nhờ măng tây mà riêng năm 2019 đã có gần 30 hộ thoát nghèo.
Thêm 14.400 tỷ đồng cho người nghèo
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Theo NHCSXH, đến nay, ngân hàng này đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 216.000 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của trên 6,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ.
Có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với doanh số cho vay là là 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ của NHCSXH. Dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.
Tín dụng chính sách đang là một trong những công cụ hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo của Việt Nam (Ảnh: TL) |
Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ thêm 14.400 tỷ đồng trong năm nay cho người nghèo và các đối tường chính sách thông qua NHCSXH, khoản ưu đãi này sẽ tạo cơ hội về vốn cho người nghèo, bà con vùng sâu, vùng xa… tạo sinh kế, việc làm hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải tạo nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch nông thôn và cho học sinh, sinh viên vay vốn để học tập…
Rõ ràng, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tín dụng chính sách đã tạo được lòng tin của Đảng đối với dân và dân đối với Đảng, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được tăng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng được tăng cường và củng cố.
Châu Thành