Tính đến 31/8/2019 cả nước có 14.757 HTX và 45 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Riêng trong năm 2018 cả nước tăng 1.341 HTX nông nghiệp và 8 tháng đầu năm 2019 tăng 901 HTX, trong đó 55% hoạt động hiệu quả. Tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lãi của HTX đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập của người lao động trong HTX khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Phát triển theo từng giai đoạn
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, giai đoạn từ khi có Luật HTX 2003 đến khi có Luật HTX 2012, số lượng các HTX nông nghiệp giảm mạnh, xuống chỉ còn khoảng 6.500 HTX trong khi các HTX phi nông nghiệp tăng nhẹ. Nguyên nhân là Luật HTX 2003 đã khuyến khích HTX đi theo mô hình “doanh nghiệp”, vì thế khu vực phi nông nghiệp đã tận dụng thời cơ này để thành lập chuyển đổi; trong khi đó khu vực nông nghiệp thì mô hình này không phù hợp và với sức ép triển khai Luật HTX, các địa phương đẩy mạnh giải thể các HTX nông nghiệp yếu kém.
Sau khi có Luật HTX 2012 và Chương trình nông thôn mới, nhất là từ năm 2016 đến nay, HTX nông nghiệp đã có chuyển biến mạnh cả về số lượng và chất lượng hoạt động nhờ các nhân tố như: Sự ra đời của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX với hoạt động tổng kết Kết luận số 56-KL/ TW của Bộ Chính trị; tổng kết 5 năm thực hiện Luật HTX và Nghị quyết số 13-NQ/TW đã định hướng và thúc đẩy các địa phương tập trung chỉ đạo. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/ QĐ-TTg ngày 27/4/2018 phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; các Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo ra “sân chơi” phát triển cho các HTX nông nghiệp… đã mở đường cho KTTT, HTX nông nghiệp phát triển.
Ngoài việc thành lập các HTX kiểu mới, các địa phương đã chú ý đến giải thể HTX yếu kém cũng giúp cho chất lượng hoạt động của HTX tăng đáng kể.
Đến nay, các HTX nông nghiệp trong cả nước đã tham gia xây dựng và phát triển 1.028 chuỗi nông sản an toàn với 1.407 sản phẩm và 3.162 điểm bán, được xác nhận; hiện có 7.015 xã (chiếm 78,5% tổng số xã) có mô hình liên kết hiệu quả trong nông nghiệp theo tiêu chí số 13 về nông thôn mới. Các chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp với sự tham gia của các HTX đã và đang triển khai mạnh mẽ.
Năm 2018, cả nước 412 HTX nông nghiệp đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất như công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; công nghệ tự động hóa, bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp, công nghệ 4.0. Nhiều HTX hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, trong đó có nhiều mô hình liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và các siêu thị lớn để mở rộng tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu hàng trăm tỷ đồng đã khẳng định được vai trò của KTTT trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 55% vào năm 2018 nhưng so với yêu cầu về phát triển HTX nông nghiệp thì tỷ lệ còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Quy mô HTX chưa phù hợp, vẫn còn tồn tại nhiều HTX chủ yếu hoạt động dịch vụ đầu vào; nhiều thành viên không quan tâm đến sự phát triển của HTX, dẫn đến vai trò của các HTX đối với thành viên rất hạn chế. Số thành viên tham gia HTX so với số hộ nông dân sản xuất riêng lẻ chiếm tỷ lệ không cao nên vai trò của KTTT hiện vẫn rất mờ nhạt. Đây là một trong những khó khăn lớn của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trước những thách thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Sớm khắc phục hạn chế
Tại Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong nông nghiệp” diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW trong ngành nông nghiệp khá rõ và toàn diện từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết phát triển HTX trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của KTTT, HTX trong nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cho rằng, HTX là giải pháp duy nhất có tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, cần phải giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy cần tập trung vào các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại hạn chế vượt qua thách thức. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò quan trọng của KTTT, HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong thời kỳ mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò tất yếu của KTTT, các mô hình HTX hiệu quả gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản, HTX nông nghiệp do thanh niên khởi nghiệp thành công, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên HTX, gắn với đề án đào tạo nghề cho nông thôn, theo hướng tạo nguồn cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho HTX.
“Cần nhân rộng các mô hình KTHT hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp – HTX – nông dân. Phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đoàn Huyền