Đưa nông sản vào siêu thị giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho HTX. |
Theo báo cáo của Deloitte Việt Nam, trên cả nước hiện có khoảng 3.450 siêu thị. Trong bối cảnh dịch Covid-19, mảng siêu thị và đại siêu thị ghi nhận sức mua tăng mạnh, hơn hẳn các mô hình bán lẻ truyền thống. Lý do là sự đa dạng mặt hàng ở những điểm bán này, đồng thời các kênh bán lẻ hiện đại giúp người dân giảm việc phải đi lại và tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bệnh. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để các HTX đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Chưa tìm được tiếng nói chung?
Trong những năm qua, sản xuất rau quả, đặc biệt là rau quả an toàn đã góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn nông sản vẫn chủ yếu tiêu thụ theo hình thức truyền thống.
Bà Nguyễn Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả dẫn chứng, trên địa bàn TP Hà Nội, sản lượng rau quả khoảng 60.000 tấn/tháng và 65% là do các HTX sản xuất. Trong đó, 10% được tiêu thụ ở các tỉnh thành lân cận; 80% tiêu thụ tại các chợ dân sinh, nhà hàng, bếp ăn tập thể, người tiêu dùng trực tiếp tại Hà Nội; chỉ khoảng 10% rau quả được tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị. Tình trạng này khiến giá cả nông sản của các HTX, nông dân thấp, đầu ra bấp bênh.
“Lượng rau an toàn cung cấp vào quầy rau an toàn, cửa hàng rau an toàn chỉ từ 80-200kg/ngày/điểm bán, vào các siêu thị cũng chỉ dừng ở mức 30-550kg/ngày/đơn vị. Đây là số lượng còn khiêm tốn so với thực tế sản xuất của người dân, HTX”, bà Lộc nói.
Việc chỉ có số lượng ít nông sản của HTX vào được siêu thị cần nhìn nhận dưới hai góc độ. Thứ nhất là do chất lượng của một số mặt hàng nông sản còn chưa đảm bảo tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Thứ hai là do các siêu thị và HTX chưa tìm được tiếng nói chung trong quá trình ký kết hợp đồng.
HTX chăn nuôi Yên Phú (Thường Tín, Hà Nội) đang thực hiện chăn nuôi gia cầm và bằng phương thức an toàn sinh học và trồng rau theo hướng an toàn. Dù chất lượng được bảo đảm theo quy trình nhưng HTX vẫn chưa đưa được các nông sản vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. HTX cũng nhiều lần tiếp cận siêu thị nhưng không thành công vì chưa thỏa thuận được về mức giá, sản lượng thu mua cũng như thời gian thanh toán.
“Thường thì thành viên HTX muốn có tiền ngay sau khi xuất hàng, còn siêu thị thì khoảng 45 ngày trở đi mới thanh toán một lần, nên gây khó khăn cho HTX trong quá trình quay vòng sản xuất. Ngoài ra, HTX còn tốn chi phí mở mã hàng, chi phí cho nhân viên chăm sóc, chi phí vận chuyển. Rau là sản phẩm tươi nên cần vận chuyển ít một, càng vận chuyển nhiều thì chi phí sẽ càng tăng lên”, ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX cho biết.
Bà Nguyễn Tân Lộc cũng thông tin, bà đã nhận được phản ánh của các HTX rằng giữa HTX và siêu thị, cửa hàng nông sản sạch vẫn chưa thể chia sẻ lợi ích thỏa đáng để phối hợp với nhau.
“Đại diện một HTX ở Hòa Bình cho biết, gà Lạc Thủy có giá bán khoảng 90 nghìn đồng/kg, nhưng nếu vận chuyển từ Hòa Bình đến Hà Nội sẽ tốn thêm khoảng 8-10 nghìn đồng/kg. HTX mong muốn phía siêu thị hỗ trợ khoản chi phí này nhưng không được chấp nhận”, bà Lộc nói.
Thay đổi để thích ứng
Theo các chuyên gia, khi vào được siêu thị, sản phẩm sẽ được bày bán ở nhiều nơi. Thậm chí, nếu sản phẩm tốt, siêu thị có thể đưa ra nước ngoài trong hệ thống của họ trên thế giới.
Ông Trần Mạnh Chiến, đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch bác Tôm cho biết, với nhu cầu của thị trường hiện nay buộc các HTX phải thay đổi trong sản xuất theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Bởi để vào được các cửa hàng nông sản sạch và siêu thị, hàng hóa của HTX phải trải qua các quy trình kiểm tra rất khắt khe.
Ngoài hồ sơ (giấy phép đăng ký HTX, giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP hoặc giấy chứng nhận các tiêu chuẩn, số tài khoản, mẫu mã sản phẩm - bao bì, nhãn mác), các siêu thị và cửa hàng nông sản sạch còn tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế sản xuất, sau đó mới quyết định ký hợp đồng.
“Trước năm 2012, các doanh nghiệp thuộc kênh bán lẻ hiện đại thường quan tâm đến hồ sơ, nhưng hiện nay chú trọng đi thăm trực tiếp các vùng trồng để yên tâm hơn về nguồn hàng. Chẳng hạn muốn đưa nông sản vào hệ thống siêu thị Aeon, HTX phải trải qua ít nhất 6 tháng nghiên cứu, kiểm tra vùng trồng”, ông Chiến chia sẻ.
Khi bảo đảm chất lượng và đi đến ký kết hợp đồng, phía siêu thị và HTX sẽ tiếp tục bàn đến các thỏa thuận như cách thức giao hàng, thời gian thanh toán, số lượng giao hàng.
Theo ông Chiến, để hạn chế những khó khăn trong quá trình làm việc với siêu thị, HTX nên bảo đảm sản xuất liên tục, đa dạng các mặt hàng theo quy trình sản xuất một cách minh bạch. “Một mặt hàng đạt đến tiến độ hoàn hảo phải mất ít nhất khoảng 7 năm để hoàn thiện. HTX không nên nóng vội đốt cháy giai đoạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm”, ông Chiến nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết, khi làm việc với siêu thị sẽ khó hơn so với làm việc với thương lái. Tuy nhiên, để hạn chế chi phí trong quá trình làm việc với siêu thị, HTX nên lựa chọn hình thức giao hàng tận siêu thị thay vì giao tại kho. Phần lớn HTX thường nghĩ rằng giao ở kho cho tiện, đỡ chi phí nhưng thực tế không phải vậy. Việc giao tại kho vẫn diễn ra lẻ tẻ do từng hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch đặt riêng lẻ. Cùng với đó, giao hàng ở kho phải đúng giờ mới được chấp nhận.
Ông Khảm cũng cho biết, HTX cũng phải thống nhất với siêu thị về số lượng đơn hàng trong một lần đặt. Nếu yêu cầu đơn hàng lớn mới giao để tiết kiệm chi phí thì nông sản lại mất đi cơ hội có mặt trên kệ vì không phải tất cả các mặt hàng đều hết cùng một lúc. Chính vì vậy, HTX nên chấp nhận giao hàng với số lượng nhỏ và giao ngay để trên kệ lúc nào cũng có sản phẩm của mình.
“Với những mặt hàng tươi, HTX có thể mở rộng vùng sản xuất ở gần điểm tiêu thụ của siêu thị. Đối với mặt hàng khô, đã qua chế biến, HTX có thể lựa chọn phương án chuyển phát nhanh để hạn chế chi phí vận chuyển”, ông Khảm chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thực tế nhiều HTX đã và đang phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên không đủ năng lực tham gia hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu. Để nông sản rộng đường vào siêu thị hay những kênh phân phối hiện đại, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn để nâng cao sức mạnh của chính HTX.
Khi sản xuất theo chuỗi, quá trình làm việc giữa siêu thị và HTX sẽ giảm bớt những khó khăn. Qua đó, HTX sẽ học hỏi được cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Hiện nay, các siêu thị đang rất quan tâm đến các nông sản sạch, sản phẩm OCOP từ các địa phương. Đây cũng là cơ hội cho HTX đưa nông sản vào hệ thống siêu thị.
Theo ông Hoàng Văn Khảm, những năm gần đây, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã hợp tác đưa hàng vào các siêu thị như Big C (hiện đã đổi tên thành GO!), Vinmart... Việc hợp tác cùng hệ thống siêu thị tuy đòi hỏi rất nhiều quy trình nghiêm ngặt nhưng cũng mở ra cho HTX cơ hội phát triển và giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Huyền Trang