Chà Là là địa phương đi đầu trên địa bàn huyện Dương Minh Châu về công tác đào tạo nghề, với nhiều phương cách tạo sinh kế, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn, trong đó có đóng góp lớn của HTX sản xuất nông nghiệp Chà Là.
Hiệu quả nhờ liên kết
Với mong muốn hỗ trợ thành viên cùng nhau sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, ngoài sản xuất các loại rau ăn lá, thời gian gần đây, HTX Chà Là đã định hướng và tham gia tổ chức tập huấn cho các thành viên, hộ liên kết phát triển thêm cây măng tây trong nhà lưới.
HTX Chà Là đang hoạt động hiệu quả, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nhiều lao động. (Ảnh TL). |
Ngoài ra, HTX Chà Là còn tư vấn cho nông dân địa phương trong thời gian chờ thu hoạch măng tây trồng xen canh một số loại cây như đậu đen, đậu xanh để “lấy ngắn nuôi dài”, tăng vòng quay của đất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc HTX Chà Là, cho hay trong bối cảnh hội nhập, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để người nông dân nâng cao giá trị sản xuất. Cây măng tây được trồng trong nhà lưới hạn chế được tác động tiêu cực của thời tiết, giảm được chi phí chăm sóc. Về lợi nhuận, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng/1.000m2.
Là một trong những người được hưởng lợi từ việc tham gia HTX Chà Là, anh Vũ Văn Tuế cho biết, đã được HTX hỗ trợ rất nhiều về kiến thức, khoa học – công nghệ để phát triển sản xuất và có được thành quả hiện tại.
Cụ thể, khi tham gia HTX, anh Tuế được học kỹ thuật sản xuất măng tây theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Gia đình anh hiện có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, cao và ổn định hơn nhiều so với mức thu nhập trước đây.
Không chỉ có anh Tuế, từ mô hình của HTX, không ít hộ nông dân đã học tập và thực hiện trồng măng tây liên kết trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình thoái hóa đất, đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cũng từ mô hình trồng măng tây, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương, với mức lương từ 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, HTX dự định làm thêm nhà ươm giống để sản xuất và cung cấp cây giống cho thị trường, đồng thời mở thêm cơ hội việc làm cho người lao động tại chỗ, tạo môi trường tham quan, học tập thực tiễn cho các hộ trong và ngoài địa phương có nhu cầu.
Nâng chất dạy nghề
Không chỉ có HTX Chà Là với mô hình dạy nghề trồng măng tây, những năm qua, xã Chà Là đã tích cực mở các lớp dạy nghề, các khóa tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi an toàn cho người dân, như nuôi cá lồng bè, trồng cây có múi, trồng hoa kiểng...
Xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả nông nghiệp. (Ảnh TL). |
Nhờ vào các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp mà hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã đã có bước phát triển đáng kể, đem lại hiệu quả cao, với diện tích gần 10.000 ha nhà lưới, sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn trái, dưa lưới…
Theo UBND xã Chà Là, để có được những thành công ấn tượng trong công tác đào tạo nghề nông thôn, trong thời gian qua, xã đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng huyện thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề.
Cùng với hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ các cấp quản lý của huyện, tỉnh là điểm tựa để xã xây dựng thành công nhiều mô hình tiểu thủ công nghiệp (làm chiếu, sẽ nhang, đan lát), chăn nuôi, trồng cây dược liệu, phát triển cây ăn quả ôn đới,… cho thu nhập cao.
Thời gian tới, xã sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu chất lượng cao. Để việc chuyển đổi có hiệu quả, xã sẽ đẩy mạnh các lớp đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho người dân trên địa bàn.
Với các HTX, tổ hợp tác, dù đang có những thành công tích cực, tuy nhiên các đơn vị vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, xã sẽ tạo điều kiện để người lao động, quản lý HTX, tổ hợp tác tham gia các chương trình đào tạo bài bản, từ đó có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn, mang lại giá trị cao hơn.
Mỹ Chí