Ngày 20/11/2012, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật HTX số 23/2012/ QH13, thay thế Luật HTX số 18/2003/QH12. Luật mới đã thể hiện rõ bản chất, mô hình tổ chức của HTX là tổ chức kinh tế tập thể tổ chức dịch vụ, kinh doanh trước hết vì lợi ích của các thành viên, vì thế mô hình tổ chức của HTX có sự phân định rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm của HĐQT và Ban giám đốc.
Nhiều quy định mới
Luật cũng quy định rõ về quyền lợi, trách nhiệm của cả HTX và các thành viên thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ của HTX cho thành viên. Thành viên HTX bắt buộc phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX theo hợp đồng dịch vụ. Trong thời hạn 3 năm liên tục nếu thành viên không sử dụng bất cứ sản phẩm hoặc dịch vụ nào của HTX, HTX có quyền chấm dứt tư cách thành viên.
Trong quản trị kinh doanh và công tác quản lý tài chính, nhiều quy định mới được ban hành như quy định phân phối thu nhập cho thành viên chủ yếu căn cứ theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, phần còn lại chia theo vốn góp; quy định mới về tỷ lệ trích lập quỹ phát triển HTX (không dưới 20%) và công tác quản lý tài sản không chia bao gồm quyền sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê đất; khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản HTX được cho, tặng theo thỏa thuận; quỹ phát triển HTX và các vốn, tài sản khác được điều lệ HTX quy định là tài sản không chia…
Với hàng loạt quy định mới có tính ưu việt, Luật HTX (năm 2012) đã và đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng đã được cải thiện rõ rệt, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài trước đây.
Tính từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/9/2018, cả nước đã có 6.496 HTX nông nghiệp được thành lập mới và 2.900 HTX nông nghiệp yếu kém hoặc ngừng hoạt động đã được giải thể, sáp nhập, nâng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên con số 12.596 HTX. Tỷ lệ các HTX khá giỏi của cả nước đã tăng từ dưới 30% trước khi thực hiện Luật lên 46% năm 2017 (kết quả đánh giá theo Thông tư số 09/2017/TT-BNN-KTHT của Bộ NN&PTNT).
Cho đến nay đã có 97% trong số 7.012 HTX nông nghiệp cần phải đăng ký lại tại thời điểm Luật HTX có hiệu lực đã thực hiện việc đăng ký lại và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật mới. Trong đó có 35/63 tỉnh hoàn thành đăng ký lại 100% số HTX.
Các HTX nông nghiệp hiện nay thu hút được xấp xỉ khoảng 4 triệu thành viên, trung bình mỗi HTX có 350 thành viên, cả nước giảm hơn 1,3 triệu thành viên so với trước khi thực hiện Luật. Chính việc giải thể các HTX yếu kém và giảm số lượng thành viên tham gia HTX một cách hình thức đã góp phần củng cố, nâng cao hiệu quả hoat động các HTX nông nghiệp thời gian qua.
Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp cả nước đã đạt trung bình trên 1,1 tỷ đồng/ HTX. Hàng trăm HTX đã có doanh thu trên 10 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động HTX cả nước hiện nay là khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, thu nhập các thành viên của HTX hoạt động có hiệu quả tăng mạnh, nhiều HTX có thu nhập của thành viên đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng nên đã động viên các thành viên yên tâm tham gia và gắn bó với HTX.
Nhiều địa phương quan tâm triển khai thực hiện Luật HTX mới và thu được những kết quả tốt, bao gồm cả các địa phương ở các vùng, miền khó khăn như: Miền núi phía Bắc có các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang. Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đắk Lắk, Quảng Nam, Lâm Đồng. Các tỉnh Nam bộ có Cà Mau, Đồng Tháp…
Những HTX điển hình ngày càng nhiều như: HTX rau an toàn tự nhiên (Sơn La), HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Định (Thái Bình), HTX thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương), HTX bò sữa Củ Chi (Tp.HCM); HTX chăn nuôi Gò Gòn (Tiền Giang), HTX Rạch Lọp (Trà Vinh)…
Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt trên 1,1 tỷ đồng/HTX |
Khắc phục những bất cập
Trước yêu cầu phát triển HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay, đặc biệt trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông nghiệp, vai trò của HTX nông nghiệp là rất quan trọng.
Chính vì vậy, vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết số 32/2016/QH14 và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, để tiếp tục tạo hành lang pháp lý thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện Luật HTX năm 2012.
Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục một số vướng mắc trong thực hiện Luật HTX để đẩy mạnh phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, Luật HTX năm 2012 cũng còn một số điều cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong tương lai nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực kinh tế HTX.
Tại khoản 3 Điều 3 của Luật có nêu: "Khi HTX, liên hiệp HTX phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX; doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp". Khái niệm này rất dễ gây hiểu lầm là HTX khi phát triển ở trình độ cao sẽ trở thành doanh nghiệp, trong khi càng phát triển nhu cầu liên kết ngang giữa các HTX càng tăng và quy mô sản xuất ngày càng lớn cần phải xây dựng mô hình liên hiệp HTX nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô liên kết sản xuất.
Luật HTX cũng đã quy định rất rõ về tư cách, quyền, trách nhiệm và những điều kiện để cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên HTX (Chương 2, từ điều 13 đến điều 18). Tuy nhiên, Luật lại chưa có những quy định cụ thể về tiêu chí và các điều kiện về sản xuất, nhất là các yêu cầu về quy mô, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của các thành viên trong phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp an toàn, chất lượng cao. Trách nhiệm của HTX và các thành viên trong hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp trong cơ chế thị trường hiện nay.
Tương tự, trong lúc quy mô sản xuất của HTX cần được mở rộng, khả năng tiếp cận vốn ở các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn thì tại Khoản 1 Điều 17 của Luật lại quy định:"Mức vốn góp theo điều lệ của thành viên không được quá 20%" nên nhiều thành viên HTX có năng lực và khả năng huy động vốn không thể góp lượng vốn lớn hơn để giúp HTX có vốn hoạt động.
Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định cụ thể việc phải định giá các tài sản như đất đai, kho tàng, nhà xưởng, sân phơi, trạm bơm, kênh mương có nguồn gốc kế thừa từ HTX cũ, hoặc do chính quyền giao và đang được HTX sử dụng, khai thác…
Vì thế giá trị của tài sản này không được ghi vào vốn và cũng không tính giá trị khấu hao nên đến lúc hỏng hóc, hết niên hạn sử dụng không có vốn để tái đầu tư mua, sắm lại các tài sản này.
Ngoài ra, việc quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với HTX được xem là nội dung ưu việt của Luật HTX. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất của các HTX nông nghiệp mang tính đặc thù rất cần bổ sung một số chính sách như chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội cho cán bộ và thành viên; chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp thông qua HTX.
Ngoài ra, trong xu thế phát triển của cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, các HTX chắc chắn cũng không thể đi ngược xu thế này, tuy nhiên trong Luật cũng chưa thấy các quy định về việc khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ cao vào quản lý và sản xuất kinh doanh.
Như vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Luật HTX 2012, cần tiếp tục phát huy những ưu điểm và nhanh chóng nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh kịp thời, một cách hệ thống những nội dung còn bất cập để tạo cơ chế mở về mặt pháp lý cho phát triển HTX nông nghiệp trong thời gian tới.
Ts. Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT