Hiện nay, toàn tỉnh Long An đã xây dựng được 52 mô hình với 3.404 ha lúa ứng dụng CNC trong sản xuất (43 mô hình điểm, diện tích 2.167,1ha), trong đó 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80 - 100kg/ ha; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Nâng cao thu nhập
Kết quả, mô hình ứng dụng CNC tiết kiệm được chi phí, ước giảm chi phí so với ngoài mô hình 2 - 2,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình 4 - 6 triệu đồng/ha.
Đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, cá biệt có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình 6 - 8 triệu đồng/ha.
Thông qua các mô hình, nhiều nông dân tự áp dụng một phần nội dung triển khai mô hình như áp dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học... với diện tích ứng dụng trên 2.000 ha.
“Ngoài xây dựng mô hình, việc đào tạo, tập huấn cho người dân trong vùng cũng được quan tâm. Thông qua nguồn vốn Dự án VnSAT, đã đào tạo, tập huấn trên 360 lớp với hơn 9.000 lượt nông dân tham gia, tương đương với khoảng 25.750ha. Sau khi dự tập huấn, có 990 hộ, với diện tích 2.721ha áp dụng quy trình sản xuất “ba giảm, ba tăng”, đạt theo các tiêu chí: lượng giống sử dụng 100kg/ ha, lượng phân đạm sử dụng 100-115kg/ha, số lần phun thuốc trừ sâu: 3-4 lần/vụ, có ghi nhật ký sản xuất”, ông Thiện cho biết thêm.
Giám đốc HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - ông Trương Hữu Trí, cho biết HTX đang triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, ứng dụng CNC. Thực hiện mô hình sản xuất này, HTX được đầu tư kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia laser, máy gặt đập liên hợp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm về chất lượng lẫn số lượng khi cung cấp cho thị trường tiêu thụ.
Theo các thành viên HTX Gò Gòn, nông dân trồng lúa trong cánh đồng lớn không phải làm thủ công như trước. Các khâu đều được cơ giới hóa và dịch vụ lao động lo trọn gói. Giống, vật tư nông nghiệp được DN liên kết với HTX đầu tư đến cuối vụ mới thu hồi vốn. Đầu ra cũng được HTX ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xuất khẩu gạo thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Lợi nhuận tăng thêm cho các thành viên trồng lúa 4 - 5 triệu đồng/ha/ vụ. Hiệu quả sản xuất rất rõ và đang thu hút nhiều hộ nông dân xin vào làm thành viên.
Nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất |
Để sản xuất hiệu quả
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, bước đầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh có những tín hiệu rất khả quan. Thời gian tới, để sản xuất lúa ứng dụng CNC đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền nông dân, các THT, HTX và DN về ý thức, mục tiêu và giải pháp triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên cây trồng.
Tỉnh cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nông nghiệp.
Trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện tốt liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước.
Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất bốn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có 20.000 ha sản xuất lúa ứng dụng CNC ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường).
Huỳnh Phong