Xu thế tiêu dùng hàng hóa thương mại công bằng (TMCB), trong đó có sản phẩm ca cao, đang lan rộng trên khắp thế giới. Việc tham gia vào hệ thống TMCB mặt hàng ca cao toàn cầu là điều mà chuỗi giá trị ca cao nói chung và các HTX ca cao nói riêng ở Việt Nam đang hướng đến.
Trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang có 3 HTX, tổ hợp tác điển hình tham gia phát triển theo tiêu chuẩn TMCB gồm HTX Thành Đạt, HTX ca cao Ea Kar và Tổ hợp tác Krong No. 3 đơn vị này đang hình thành mạng lưới HTX ca cao phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu và cho thấy hiệu quả tích cực.
Đơn cử như tại HTX ca cao Ea Kar (huyện Eakar, Đắk Lắk), trước khi tham gia mô hình (năm 2015), doanh thu bình quân của thành viên HTX đạt 80 - 120 triệu đồng/năm. Sau khi thực hiện dự án theo tiêu chuẩn TMCB, doanh thu thành viên tăng lên 150 - 200 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu của HTX trong 2 năm 2016 và 2017 đạt gần 3 tỷ đồng.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các HTX đang thay đổi tư duy sản xuất của thành viên, người nông dân, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa, chú trọng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
Ông Trần Ban Hùng - đại diện Fairtrade Asia Pacific tại Việt Nam cho biết: “TMCB có nhiệm vụ giúp nông dân sản xuất ca cao có thể quản trị tốt và nâng cao năng suất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, trang bị kỹ thuật sản xuất toàn, nâng cao ý thức về ATLĐ, đảm bảo sự hiệu quả và tính an toàn trong quá trình sản xuất”.
Các HTX ca cao đang hướng tới tiêu chuẩn quốc tế Fairtrade |
Bên cạnh các HTX ca cao, hàng loạt HTX cà phê cũng đang gặt hái thành công nhờ mô hình TMCB. Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk).
Năm 2011, HTX Ea Kiết được thành lập, các thành viên sản xuất cà phê phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình cà phê bền vững, đảm bảo ATLĐ.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Giá bán cà phê có chứng nhận Fairtrade cao hơn 2,2 - 2,5 triệu đồng/tấn so với giá thị trường. Bình quân mỗi hộ thành viên thu nhập tăng thêm 15 - 20 triệu đồng/năm”.
“Để theo đuổi Fairtrade, thành viên HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, đảm bảo ATLĐ. Tất cả các khâu sản xuất từ làm đất, chăm bón, phun thuốc đến thu hoạch, bảo quản… đều được giám sát chặt chẽ”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng có thể kể đến HTX Nông nghiệp công bằng Pô Kô (thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), hiện có 118 thành viên với tổng diện tích 200ha cà phê sạch, sản lượng thu được hàng năm khoảng 800 tấn cà phê nhân.
Chị Phạm Thị Huyền Anh - Giám đốc HTX cho biết: “HTX được hỗ trợ công nhận chuẩn Fairtrade từ năm 2009. Từ đó đến nay, HTX luôn chú trọng phát triển sản xuất sạch, đảm bảo ATLĐ, nhằm gia tăng năng suất, giá trị kinh tế, tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế”.
Văn Nguyễn