Đến nay, liên kết chuỗi trong nông nghiệp có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường có nhiều cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều này đã và đang dẫn đến thua thiệt của các HTX nông nghiệp trên chính thị trường trong nước.
Xác định rõ nguyên nhân
Chỉ tính riêng trên địa bàn Tp.Hà Nội đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN), HTX và hộ nông dân tham gia; đồng thời xây dựng được 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể như Gà đồi Ba Vì, Gà mía Sơn Tây, Vịt Vân Đình, Nhãn Đại Thành, Gạo thơm Bối Khê… Các chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội còn ít, quy mô nhỏ. Việc liên kết giữa các tổ chức, cá nhân còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Công tác bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm từ chuỗi vẫn chưa được đẩy mạnh, gây khó khăn trong xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tiêu thụ nông sản vẫn phải qua nhiều khâu trung gian, cho nên giá bán đến tay người tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với giá thu mua tại các cơ sở sản xuất, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Giá cả nông sản không ổn định, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay, một bộ phận nông dân trồng nông sản để bán và để ăn hoàn toàn khác nhau, trong khi đó các HTX hoặc các nông hộ có liên kết với HTX lại có ý thức tốt hơn trong thực hiện sản xuất và bảo quản nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn, chất lượng. Hậu quả là thị trường rất lớn nhưng nông sản của hộ nông dân không có thị trường tiêu thụ.
Hiện đời sống người dân đã cao hơn, nên người tiêu dùng đã mua nông sản nhập khẩu với giá cao. Do đó, việc thành lập chuỗi liên kết cần có yêu cầu cụ thể, có cơ chế và quyền lợi đi theo đối với các thành viên. Khi thành chuỗi, phân bón phải được kiểm soát, có bộ phận xác định chất lượng phân bón để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tiêu thụ nông sản An toàn Việt Nam (UCA), trình độ sản xuất của người dân còn thấp, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Các vùng sản xuất phân tán, quy mô chưa lớn. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa thu hút doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh và đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam làm việc với HTX chè Hảo Đạt về liên kết để nâng cao giá trị nông sản |
Cần vào cuộc đồng bộ
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thịnh, cho rằng để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp lớn, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, ban hành nghị định riêng về HTX nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ trong chuỗi liên kết, đồng thời sớm sửa Luật HTX 2012, sửa Luật Đất đai... Nếu thiếu một mắt xích, liên kết khó thành công…
“Chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của địa phương. Bản thân các HTX phải đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ quản trị để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, liên kết”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như Liên minh HTX Việt Nam về việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam, quan trọng nhất là phải thực hiện theo các quy trình an toàn như VietGAP, GlobalGAP… Muốn vậy, các nông hộ cần liên kết chặt chẽ với các HTX, Liên hiệp HTX, các DN để bảo đảm sản xuất theo quy trình, có đầu mối bao tiêu sản phẩm ổn định, qua đó nâng cao giá trị nông sản.
Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục KTHT và PTNT (Bộ NN&PTNT), tính liên kết của các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua đã có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết.
“Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy trình đặt hàng của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Những hộ nông dân có quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Trong tương lai, một mặt chúng ta phải đào tạo cho nông dân, mặt khác phải nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên”, ông Thịnh cho biết.
Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, trong giai đoạn tới ngoài phát huy vai trò KTHT, hộ gia đình, đồng thời cần nâng cao vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp là các DN, HTX để kết nối cung cấp đầu vào, dịch vụ trồng, chăm sóc và bao tiêu nông sản. Thực hiện tốt việc này sẽ nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt và hạn chế tình trạng nông sản thua thiệt ngay trên chính “sân nhà”.
Phạm Duy