Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là tại khu vực này tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; nhiều loại nông sản làm ra được bán với giá rất thấp. Để giải bài toán nâng cao thu nhập cho người nông dân thì yêu cầu tái cơ cấu sản xuất và liên kết nâng cao chuỗi giá trị đồng bằng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhiều việc cần phải làm
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, muốn nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hoá nông sản Đồng bằng sông Cửu Long thì ngành nông nghiệp vùng phải nắm bắt được xu hướng thị trường để định hướng sản xuất, chế biến nông sản. Qua đó, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long trên thị trường khu vực và toàn quốc; xây dựng ngành hàng hoá chủ lực, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của vùng. “Để hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả và bền vững, trước mắt Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách đất đai, thu hút đầu tư; quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp theo quy mô liên kết vùng gắn với cung - cầu; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh nhằm tạo vị trí vững chắc trên thị trường cho nông sản công nghệ cao; tập trung đào tạo nhân lực và chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp”, ông Lê Minh Hoan nêu giải pháp.
Liên kết chuỗi sẽ nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông thuỷ sản |
Theo Tổng Giám đốc Công ty Les Verges du Mekong (Pháp) Jean-Luc Voisin, ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long muốn thuận lợi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì ngoài vấn đề chất lượng nông sản còn phải đối mặt với những rào cản chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật cùng nhiều điều kiện khắt khe khác của thị trường quốc tế. Trong bối cảnh nhận thức và kinh nghiệm ứng phó về tranh chấp thương mại của các doanh nghiệp, ngành hàng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa đầy đủ, nhiệm vụ cấp thiết của ngành nông nghiệp vùng là đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch”; kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản, qua đó thiết lập chuỗi liên kết trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nông dân, các nhà khoa học và chính phủ.
“Cần tập trung xoá bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực tham gia các cuộc Hội chợ giao thương để tăng cường quan hệ kinh doanh với các nhà bán sỉ và lẻ; gặp gỡ trực tiếp người mua, tiếp nhận đóng góp, phê bình và phát triển mạng lưới hoạt động với các nhà sản xuất khác. Quan trọng nhất là cần tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản, vốn là “mắt xích” chủ chốt nhưng lại chưa được thực hiện hiệu quả trong phát triển chuỗi thực phẩm tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua”, ông Jean-Luc Voisin cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, ngoài việc nâng cao chuỗi giá trị, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi thì nông dân và doanh nghiệp Việt Nam còn phải quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; phát triển các mặt hàng nông nghiệp có ưu thế cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường để tăng cường hội nhập. “Muốn thay đổi nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cần tập trung vào hai vấn đề lớn đó là: nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hoá nông sản đồng bằng và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp
Để đạt các mục tiêu trên, các địa phương sẽ cùng phối hợp xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn, vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị - ven đô thị, vùng cây ăn trái đặc sản, vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học, vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng… Trọng tâm là đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng; phổ biến các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả ra toàn khu vực Tây Nam Bộ, qua đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của vùng.
Liên kết để xây dựng cánh đồng lớn nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL |
Chính quyền các địa phương khu vực Tây Nam Bộ cũng tăng cường hoạt động khuyến nông, đưa cán bộ xuống cơ sở giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng nhiều mô hình sản xuất tiến bộ, hiệu quả cao; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; tăng cường thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào địa bàn đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản và xuất khẩu ra nước ngoài, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về vấn đề áp dụng công nghệ kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến đã đóng góp tới 30% sản lượng sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long trong năm vừa qua. Nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng thành công, giúp người nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới cũng giúp ngành nông nghiệp địa phương ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, qua đó hạn chế tối đa tỉ lệ hao hụt trên sản lượng nông sản và nâng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan thì việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tồn tại một số thách thức như máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ cho nông nghiệp công nghệ giá thành còn cao, trong khi máy móc thiết bị sản xuất trong nước chưa Đáp ứng quy mô sản xuất, dẫn đến tỷ lệ cơ giới hoá nông nghiệp tại một số vùng còn thấp, kéo theo năng suất và hiệu quả thấp.
Để vượt qua khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: “Thời gian tới chính quyền, ngành nông nghiệp các địa phương cần thực hiện liên kết hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng, giúp doanh nghiệp tìm nguồn thiết bị, máy móc chất lượng ngay tại địa phương; đồng thời tìm hiểu, kết nối hàng hoá của các địa phương và giới thiệu với các tập đoàn thương mại trong nước và quốc tế để đưa những sản phẩm phù hợp vào hệ thống của họ”.
Phương Nam