Các dòng sản phẩm chè Hảo Đạt đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường |
Phát triển đi lên từ tổ hợp tác trên địa bàn với hầu hết các thành viên nữ, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, hiện HTX chè Hảo Đạt mỗi tháng bán ra thị trường 15 - 17 tấn chè búp ngô, doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng chè nổi tiếng Tân Cương, nhiều thế hệ trong gia đình gắn bó với cây chè, bà Đào Thanh Hảo cùng chồng ngay từ buổi đầu đã chăm chỉ bạt đồi trồng sắn, chè. Tuy làm lụng vất vả nhưng cái đói vẫn theo đuổi cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Sau đó, bà Hảo chọn cách vào xóm thu mua chè của người dân rồi đem ra chợ bán lấy lãi.
Đến năm 1996, thấy khâu dịch vụ chế biến mang lại một phần chênh lệch đáng kể, vợ chồng bà bỏ việc chạy chợ, dành tiền vốn mua thêm máy móc, thiết bị chế biến chè.
Vốn có nền tảng kiến thức về sao sấy, chế biến chè nên chè của vợ chồng bà làm ra được nhiều người ưa chuộng, vào tận nhà thu mua. Thậm chí nhiều người ở xa còn còn lặn lội đến tận nơi để mua dù chỉ 1, 2 lạng chè. Nhờ đó, kinh tế của gia đình bà dần khá lên.
Đến đầu những năm 2000, phong trào trồng chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nở rộ, các thương lái vào tận vườn thu mua chè tươi của người trồng. Tuy nhiên, nhiều thương lái chỉ mua vào thời điểm giá chè thành phẩm trên thị trường đang lên cao, khi chè mất giá liền quay lưng lại, khiến người trồng chè bị thiệt hại nhiều.
Ngoài ra, thu nhập của người dân làm chè trên địa bàn cũng chưa cao do cách làm riêng lẻ, kỹ thuật chế biến không đồng đều, thị trường lại không ổn định. Đau đáu nỗi niềm đó, năm 2007, bà Hảo đứng ra vận động một số chị em trong xóm thành lập tổ hợp tác để liên kết sản xuất.
Năm 2016, dưới sự vận động của chính quyền địa phương, cũng như sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, tổ hợp tác của bà Hảo đã phát triển thành HTX Chè Hảo Đạt với 8 thành viên, quy mô vùng nguyên liệu 52.000 m2.
HTX ký kết hợp đồng với hơn 50 hộ trong vùng cung cấp chè tươi cho HTX. Các hộ trong vùng khi ký kết hợp đồng với HTX đều được HTX hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón… không lãi.
Cán bộ HTX còn thường xuyên đến từng hộ gia đình giúp người dân kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật thu hái và chế biến chè. Bằng cách này, người nông dân có sản phẩm chè búp tươi an toàn, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm của HTX.
Hiện nay, HTX đang có kế hoạch mở rộng quy mô vùng nguyên liệu lên đến 10.000 m2 diện tích đất trồng chè, tăng cường công tác xây dựng thương hiệu.
Để thực hiện được những kế hoạch này, HTX đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chè sạch, không sử dụng chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
HTX cũng đã đầu tư nâng cấp hai nhà xưởng nâng tổng diện tích lên trên 1.000 m2, đầu tư mua các loại máy móc như: máy sao chè tươi, máy sao chè khô, máy vò chè, máy hút chân không… với tổng giá trị 1,4 tỷ đồng.
Hiện dây chuyền sản xuất, chế biến chè đặc sản của HTX là hệ thống khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất. Các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động.
Hiện nay, với hơn 6 ha trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường 15 - 17 tấn chè búp khô, với các dòng sản phẩm chính như: Chè Đinh, chè Tôm Nõn, chè Móc Câu, chè Bát Tiên, chè truyền thống… giá bán trung bình 150.000 - 300.000 đồng/kg.
Nhờ đó, doanh thu hàng năm của HTX khoảng 6 tỷ đồng; lợi nhuận 2 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động với mức thu nhập 4,5 - 6,0 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, cung cấp ra thị trường các loại chè sạch, chè an toàn, HTX còn đặc biệt chú trọng đến mẫu mã bao bì sản phẩm, từ đơn giản đến sang trọng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Các dòng sản phẩm chè Hảo Đạt đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.
Hồng Nhung