HTX Phước An ra đời góp phần nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩn cho người dân (Ảnh:Internet) |
Gò Quao là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mô hình thâm canh cây lúa, cây khóm với con tôm… Tuy nhiên, sau nhiều năm nhọc nhằn, cây khóm, con tôm mãi chẳng đạt hiệu quả, thường xuyên bị sâu, bệnh, tôm chậm lớn, thời gian thả nuôi kéo dài.
Từ mô hình đa canh
Đặc biệt, tình trạng người dân không nắm vững kỹ thuật, sau mỗi vụ thu hoạch đều vứt cây, lá xuống mương làm ô nhiễm nguồn nước, khiến nhiều hộ mặc dù có ao nhưng không thể canh tác.
Để khắc phục tình trạng trên và phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi phương pháp nuôi tôm xen canh cây lúa, cây khóm.
Thời gian đầu đi vào thực hiện, nhiều hộ đã đạt được những thành công nhất định.Tuy nhiên, do hoạt động riêng lẻ, người dân thường có tư tưởng “mạnh ai lấy làm”, nên đầu vào đầu ra không đồng đều, ổn định, dẫn đến giá cả bấp bênh.
Từ khi HTX Phước An ra đời, hoạt động theo đúng luật HTX năm 2012, có điều lệ, quy chế hoạt động, quy chế tài chính và nhận được sự quan tâm, đồng hành sát sao của các cấp, ban, ngành nông nghiệp địa phương. HTX đã khắc phục được những hạn chế, hình thành thói quen sản xuất, hoạt động tập thể cho người dân, từ đó, năng suất, chất lượng làm ra ngày càng cao hơn, từng bước khẳng định giá trị, thương hiệu sản phẩm của HTX nói riêng và của huyện Gò Quao nói chung.
Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Quao cho biết, trước đây diện tích đất trồng lúa ở các xã trên địa bàn huyện hầu hết đều bị xâm nhập mặn nên năng suất không cao. Năm 2006, khi có chủ trương chuyển đổi mô hình tôm - lúa và tôm - khóm, người dân đi vào thực hiện và dần có thu nhập ổn định. Đặc biệt, từ khi HTX An Phước ra đời, hoạt động sản xuất của bà con ngày càng được thống nhất, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao.
HTX nhân giống cây khóm, tạo việc làm cho lao động địa phương (Ảnh:Internet) |
Đến hiệu quả bền vững
Cũng nhờ đó, HTX ngày càng thu hút thành viên. Hiện, HTX có trên 60 thành viên canh tác diện tích trên 100 ha với mô hình khóm – lúa - tôm. Các thành viên trong HTX, người có thu nhập cao nhất là khoảng 700 triệu đồng/năm, còn thấp nhất cũng 70 triệu đồng/năm.
Ngoài đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành, định hướng cùng người dân trong sản xuất, HTX còn nhân giống cây khóm để bán ra các địa phương khác, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương, với thu nhập bình quân 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày.
HTX đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cho toàn xã Vĩnh Phước A, từ 9,6% năm 2015 xuống còn 3,17% vào cuối năm 2019.
Có thể thấy, mô hình sản xuất đa canh tổng hợp khóm – tôm – lúa là mô hình nông nghiệp bền vững, đặc trưng, phù hợp với vùng sinh thái ở huyện Gò Quao. Đây cũng có thể xem là mô hình sản xuất sinh thái và cho hiệu quả cao trên cùng một diện tích canh tác.
Để mô hình tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả bền vững, thời gian tới, phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng theo quy hoạch và quy trình sản xuất, không thể duy trì mô hình chuyên tôm sẽ làm cho đất bị cằn cỗi, nhiễm bệnh, hiệu quả mang lại không cao. Song song đó, tiếp tục hoàn thiện các cống, đập ngăn mặn ven sông Cái Lớn phục vụ cho sản xuất vụ tôm, vụ lúa. Tiến tới thành lập thêm HTX để liên kết sản xuất giúp ổn định trong các khâu nuôi trồng cũng như tìm đầu ra ổn định cho nông dân nơi đây.
Khánh Hồng