Vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 289.873 ha lúa, vượt 837 ha so với kế hoạch. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa này với niềm vui trúng mùa, được giá, góp phần tháo gỡ khó khăn trong dịch Covid-19.
Được mùa, được giá
Ông Mai Anh Nhìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, mặc dù xâm nhập mặn vô cùng khốc liệt nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó, nông dân đã có một vụ Đông Xuân được mùa, được giá.
Thực tế cho thấy, diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch được 93% diện tích, năng suất bình quân 7,24 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 1,924 triệu tấn, tăng 0,3 tấn/ha về năng suất và 104.712 tấn về sản lượng so với vụ Đông Xuân trước.
Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, các loại giống chất lượng cao chiếm 93,65%, diện tích sử dụng giống xác nhận các cấp tương đương khoảng 76,46%. Đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gieo trồng như nhóm giống gạo thơm gồm: Jasmine85, Đài Thơm 8, OM4900, ST24…; nhóm giống hạt dài, năng suất cao chống chịu sâu bệnh tốt như: OM5451, GKG1, OM2517, OM6976…; nhóm giống hạt tròn Japonica và nếp gồm: ĐS1, IR4625… Tổng diện tích sản xuất của 3 nhóm giống lúa này chiếm hơn 85% diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân toàn tỉnh. Tỉnh xây dựng 34 cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm hơn 19.000 ha.
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân ở Kiên Giang (Ảnh: Internet) |
Phấn khởi vì được mùa, ông Huỳnh Văn Nhà, Giám đốc HTX Năm Hải, huyện Giống Riềng cho biết, tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, bà con thành viên HTX tập trung xuống giống vào nửa cuối tháng 12/2019. Nhờ vậy, vụ Đông Xuân này, năng suất lúa của HTX đạt 8-9 tấn/ha, lợi nhuận vượt trội so với mọi năm nhờ lúa có giá trị cao. Lúa chất lượng cao (tươi) 5.600-6.000 đồng/kg và lúa khô 6.300-6.800 đồng/kg, một số giống lúa Nhật, Đài thơm 8 giá 6.800-7.500 đồng/kg, bà con thành viên rất phấn khởi.
Còn theo ông Đoàn Văn Bấu, Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Hoà (huyện Châu Thành), để vụ Đông Xuân có hiệu quả cao như vậy, HTX đã phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa như: bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, an toàn và hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý IPM… Cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện xử lý những bất thường, bất lợi trong sản xuất lúa.
Ông Ba Đạo, thành viên HTX Thạnh Hoà phấn khởi: “Năm nay, vụ lúa Đông Xuân, gia đình có 3 ha giống lúa OM 5451, vừa thu hoạch xong với năng suất 7,6 tấn/ha, bán liền cho thương lái tại ruộng với mức giá 5.300 đồng/kg, trừ đi chi phí có khoản lãi gần 28 triệu đồng/ha, gia đình cũng đỡ khó khăn phần nào bởi dịch Covid-19”.
Chuẩn bị tốt cho vụ Hè Thu
Hiện nay, nguồn nước đầu nguồn xuống rất thấp và dự báo mùa mưa năm nay đến trễ, khoảng giữa tháng 5/2020, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương quản lý, vận hành đóng mở cống thuỷ lợi phù hợp, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất hạn chế tình trạng thiếu nước đầu vụ, nạo vét những kênh mương nội đồng đã cạn, bồi lắng để tăng khả năng dự trữ nước ngọt bơm tưới cho lúa. Hiện nay, tỉnh đã gieo sạ hơn 74.550 ha lúa Hè Thu, đạt 26,2% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giang Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất và TP Rạch Giá. Tập trung với các giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gồm: Nhóm giống gạo thơm, đặc sản ST24, Đài thơm 8, RVT…
Theo đó, tuỳ theo điều kiện vùng sản xuất và hợp tác liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, các địa phương bố trí diện tích sản xuất từng nhóm giống lúa phù hợp. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân gieo sạ nhóm giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 85% diện tích gieo trồng trở lên, nhóm giống lúa có năng suất cao nhưng chất lượng gạo trung bình như IR50404, OM576… dưới 15% diện tích sản xuất trong mùa vụ.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết. Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh đề ra kế hoạch gieo trồng 284.000 ha, phấn đấu năng suất lúa bình quân đạt 5,5 tấn/ha, sản lượng thu hoạch trên 1,5 triệu tấn. Ngoài những giải pháp thuỷ lợi ứng phó với hạn mặn, tỉnh tăng cường vận động hỗ trợ doanh nghiệp, liên kết hợp tác với các tổ hợp tác, HTX sản xuất theo cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm nông sản để tạo ra sản lượng lúa hàng hoá lớn, chất lượng cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chế biến xuất khẩu.
Minh Thành