Hơn 10 năm trước, cuộc sống của người dân Vĩnh Thuận chủ yếu bám vào cây dừa nước mọc tự nhiên ven sông rạch, làm thuê làm mướn hoặc đánh bắt cá tôm, nên còn nhiều khó khăn, chẳng biết bao giờ thoát nghèo.
Thế nhưng, cũng chính cái nghèo đã thôi thúc họ tìm tòi, học hỏi những cách làm, hướng đi mới.
Vĩnh Thuận linh hoạt chuyển đổi mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Internet) |
Chủ động tìm kiếm giải pháp
Thời gian đó, phong trào nuôi tôm sú, tôm càng xanh tại Cà Mau, Bạc Liêu (gần huyện Vĩnh Thuận) nở rộ, nhiều người đổi đời chỉ sau mấy vụ tôm. Nhiều hộ nông dân Vĩnh Thuận đã tìm đến học hỏi, rồi bắt đầu manh nha chuyển đổi những cánh đồng ngập mặn thành đầm nuôi tôm sú, tôm càng xanh. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật, lại quá vội vàng, nên các đầm tôm cho hiệu quả rất thấp, thậm chí lỗ vốn.
Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả cho con tôm, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hợp tác, HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ đã ra đời vào tháng 5/2017 tại xã Vĩnh Phong.
Sau khi đi vào hoạt động, HTX đã chủ động tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật giúp các hộ nuôi tôm tiến hành xử lý ao nuôi bằng vôi để rửa phèn, điều tiết độ mặn… Kết quả, từng cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm không chỉ được cải tạo, trở thành những vuông tôm chất lượng, cho năng suất và thu nhập ngày càng cao, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Dựa vào đó, Vĩnh Thuận đã linh hoạt chuyển đổi mô hình nuôi 1 vụ tôm – 1 vụ lúa. Mặc dù, thời gian đầu áp dụng, mô hình còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, song nhờ sự đồng lòng của chính quyền và người dân, các biện pháp khắc phục, thả nuôi đã sớm được tìm ra và áp dụng, nên cả tôm và lúa đều đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năng suất vượt trội
Phòng NN&PTNT huyện cho biết, trung bình mỗi ha nuôi tôm tại Vĩnh Thuận hiện cho thu hoạch hơn 550kg, tăng hơn 50kg so với những năm trước. Đặc biệt, bà con nông dân ở các xã Bình Minh, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc và thị trấn Vĩnh Thuận đang áp dụng mô hình nuôi kết hợp tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng với tôm càng xanh, mang lại năng suất cao vượt trội, nhiều hộ thậm chí đạt hơn 1 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Dậu - Giám đốc HTX Căn Cứ, cho biết: Vĩnh Thuận hiện có khoảng 23.000 ha đất luân canh lúa - tôm, trong đó khoảng 80% diện tích nuôi xen canh tôm thẻ với tôm càng xanh. Sản lượng tôm bình quân hàng năm đạt từ 13.000 - 15.000 tấn. Theo tính toán và thu hoạch thực tế của nông dân, 1 ha nuôi theo mô hình này sẽ cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, để mô hình và sản phẩm của Vĩnh Thuận tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả cao, ông Dậu nhấn mạnh: “Người nông dân Vĩnh Thuận cũng như HTX Căn Cứ luôn phải xác định để phát triển bền vững phải sử dụng phương thức sản xuất sạch, hiện đại, đem lại lợi ích toàn diện cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”.
Những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là nhân tố quan trọng giúp Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới (Ảnh:Internet) |
Thúc đẩy kinh tế
Có thể thấy, HTX không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng, giàu sức cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn mang lại môi trường làm việc an toàn, trong lành cho thành viên, người lao động HTX và các hộ nông dân tại Vĩnh Thuận.
Đặc biệt, những đóng góp của HTX Căn Cứ nói riêng và khu vực kinh tế hợp tác, HTX nói chung cũng là nhân tố quan trọng giúp huyện Vĩnh Thuận trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tính đến nay, huyện Vĩnh Thuận đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Hiện, huyện đang tiếp tục hoàn tất các điều kiện để được thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
Để đạt được kết quả như vậy, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, khẳng định: “Các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng NTM của huyện. Không chỉ là điểm tựa sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các HTX còn trực tiếp đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường…”.
Khánh Hồng