Tại cuộc làm việc với Liên minh HTX Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX nhấn mạnh, vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều tiềm năng và lợi thế, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng.
Tuy nhiên, đây là vùng có điều kiện khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, KT-XH phát triển chậm. Do đó, phát triển KTTT, HTX là phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất và các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo báo cáo về tình hình phát triển KTTT, HTX với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (Ảnh: Phạm Duy) |
Khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh
Chị Sầm Thị Tình, sinh năm 1986, là người phụ nữ dân tộc Thái nhanh nhẹn, hoạt bát ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Để lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho những người phụ nữ nơi đây, năm 2010, chị Tình cùng mẹ đẻ là bà Sầm Thị Bích thành lập HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến.
Sầm Thị Tình, người chắp cánh cho thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến bay xa |
Bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, người phụ nữ trẻ đã biến vải vụn thành những sản phẩm mang đặc trưng của thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chị Tình đã từng bước đưa “hồn quê” ra phố, xây dựng thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến bay xa.
Từ những sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường như chiếc ví cầm tay xinh xắn, thú bông, khăn choàng, dép thổ cẩm…Sầm Thị Tình dần tìm tòi, học hỏi và thiết kế nhiều mẫu mã mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Thay vì chỉ sử dụng thổ cẩm để may áo, váy, chị còn sáng tạo, biến thành vật liệu phục vụ trang trí nội thất như tranh, áo, gối…
“Các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long… và được bán ở các nước như Pháp, Đức, Nhật, Lào… Những sản phẩm của HTX sản xuất ra vừa góp phần gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc Thái, vừa đáp ứng thị hiếu khách hàng. Đến nay, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 30 thành viên là đồng bào dân tộc Thái tại địa phương với thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của HTX đạt khoảng 200 triệu đồng/tháng”, Sầm Thị Tình chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, câu chuyện và số lượng HTX trong vùng đồng bào DTTS thành công như HTX Hoa Tiến không nhiều, tỉ lệ đói nghèo của khu vực này còn rất cao. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi cá nhân, các HTX đồng bào DTTS, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương để giúp công tác xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS đạt hiệu quả.
Liên minh là thành viên tích cực
Trở lại vấn đề phát triển KTTT, HTX ở vùng đồng bào DTTS mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập trong buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ nhằm thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
"Để giúp KTTT, HTX vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững, góp phần vào công tác xoá đói, giảm nghèo của đất nước. Tôi đề nghị Liên minh HTX Việt Nam tích cực phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các chính sách để hỗ trợ thiết thực, giúp cho vùng đồng bào dân tộc có cơ hội phát triển, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, những năm qua, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Kết quả là giai đoạn 2016 - 2019, vùng DTTS và miền núi đã thành lập mới 4.656 HTX, chiếm 46% số HTX thành lập mới của cả nước. Đến cuối năm 2019, vùng DTTS và miền núi có 11.558 HTX, 35 Liên hiệp HTX, 61.471 THT. Số lượng thành viên THT, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi có khoảng 3,7 triệu người, chiếm 37% tổng số thành viên KTTT trên địa bàn cả nước, tạo việc làm cho 1,1 triệu lao động.
Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đánh giá cao công tác phối hợp giữa Liên minh HTX Việt Nam với Uỷ ban Dân tộc thời gian qua, đồng thời mong muốn hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển KTTT, HTX (Ảnh: Phạm Duy) |
Tuy nhiên, để vùng đồng bào DTTS phát triển hơn nữa trong thời gian tiếp theo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Ủy ban Dân tộc, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 chỉ đạo và phê duyệt “Đề án phát triển KTTT, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” nhằm thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 88/2019/QH14.
Bàn về nội dung này, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc phát triển KTTT, HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhu cầu tất yếu khách quan và đóng vai trò quan trọng.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc các bộ ngành địa phương xây dựng Đề án này”, ông Võ Thành Thống nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đồng tình, thống nhất với đề xuất của Liên minh HTX Việt Nam cũng như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Hải khẳng định, Liên minh HTX Việt Nam đại diện cho quyền lợi của HTX và thành viên, tạo nền tảng quan hệ sản xuất gắn kết, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
“Thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Liên minh HTX Việt Nam có thể tham gia cùng Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan ở nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, như: Phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp; đầu tư phát triển nhóm DTTS; truyền thông, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi…qua đó tích cực cùng với các bộ, ngành thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, nhằm từng bước đưa KT-XH vùng còn nhiều khó khăn này phát triển bền vững”, ông Hải nói.
Phạm Duy