Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới 752 hợp tác xã (HTX), 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác (THT), nâng tổng số HTX trong cả nước lên 25.282 HTX, thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động.
Nâng cao tính chủ động
HTX Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Nông sản an toàn Đại Hoàng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là một điển hình trong việc chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Do chủ động thị trường tiêu thụ bằng việc xây dựng các chuỗi cửa hàng nên nông sản của HTX Đại Hoàng sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó (Ảnh: Phạm Duy) |
Năm 2016 anh Lê Văn Tiên, sinh năm 1985 đã từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng yêu thích với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng về quê sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao. Dưới sự động viên, hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cuối năm 2017 anh Tiên chính thức thành lập HTX dịch vụ thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng với 8 thành viên là người dân địa phương.
Có thêm thành viên, diện tích sản xuất tăng lên, ngoài việc thuê thêm 6 lao động, anh Tiên đã chủ động thời gian, sắp xếp các loại cây trồng hợp lý, luân phiên để lúc nào cũng có sản phẩm đưa ra thị trường, đồng thời liên kết với 15 hộ thành lập tổ sản xuất rau an toàn, từ đó tạo dựng thương hiệu uy tín và chất lượng.
Vừa mở rộng sản xuất, chăn nuôi đa ngành, nâng cao chất lượng rau sạch, để sản phẩm sản xuất được tiêu thụ ổn định, anh Tiên cũng chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ra một số địa phương khác bằng việc xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn tại TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đường Hoàng Quốc Việt, TP. Hà Nội.
Tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ giúp các mặt hàng nông sản có thêm cơ hội tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ (Ảnh: Phạm Duy) |
Đừng để HTX “đơn độc”
Câu chuyện HTX chủ động xây dựng chuỗi cửa hàng để tiêu thụ nông sản như HTX Đại Hoàng không phải là hiếm. Tuy nhiên, ngoài những HTX tích cực, chủ động liên kết, mở rộng, tìm kiếm thị trường, vẫn còn không ít HTX vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là dẫn đến tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.
HTX gốm Quyết Thành là một ví dụ về thiếu sự liên kết, khó khăn tìm đầu ra, hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giải thể vào năm 2018. Ông Nguyễn Đức Phú, chủ xưởng gốm Phú Thoả, nguyên Giám đốc HTX gốm Quyết Thành cho biết, dù có HTX dẫn dắt nhưng hầu hết các thành viên chưa có sự thống nhất nên sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết.
Thiếu liên kết, bao tiêu sản phẩm nên gốm Quyết Thành rất khó tiêu thụ (Ảnh: Phạm Duy) |
“HTX hạn chế về nguồn kinh phí, thiếu vốn sản xuất nên không đầu tư máy móc hiện đại, chỉ sản xuất thủ công nên mẫu mã sản phẩm không đẹp, khó cạnh tranh với thị trường, không ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không quảng bá, mở rộng thị trường, mà chỉ bán lẻ cho khách hàng. Số lượng tiêu thụ hạn chế, sản phẩm bán ra chỉ đù bù chi phí nhân công và duy trì hoạt động nên HTX đã buộc phải giải thể ”, ông Phú tiếc nuối.
Vì không tìm được doanh nghiệp làm “bà đỡ”, thiếu vốn sản xuất, hạn chế nhân lực chất lượng cao, thiếu liên kết bao tiêu sản phẩm, không có chính sách hoạch định sản xuất rõ ràng nên chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 172 HTX giải thể vì không hiệu quả.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, để có thể liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, chính các HTX cũng phải tự đổi mới, nâng chất, nhất là về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các HTX ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chất lượng cây giống, con giống chưa cao, sản phẩm hàng hoá hạn chế về mẫu mã, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh còn yếu. HTX phát triển vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo quy hoạch, còn lúng túng trong định hướng đầu tư phát triển kinh doanh. Nhiều đơn vị chỉ tập trung cho dịch vụ đầu vào như cung ứng giống, vật tư..., những dịch vụ khác như: Bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm… Đó chính là những lý do khiến cho các doanh nghiệp còn chưa "mặn mà" liên kết với các HTX để bao tiêu sản phẩm.
Để hỗ trợ tích cực trong việc liên kết, bao tiêu hàng hoá, nông sản, những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng được 1.700 HTX gắn với chuỗi giá trị, phối hơp với các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như TH True Milk, Vingroup, Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh và chuỗi siêu thị lớn như BigC, Mega Market, Coop Mart, Lotte Mart... để trở thành “đầu kéo” hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội chợ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, nông sản của các HTX và hỗ trợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tại các siêu thị.
Đến thời điểm này, cả nước có 25.282 HTX nên nhu cầu liên kết với cách doanh nghiệp “làm bà đỡ” càng trở nên cấp thiết. Hơn lúc nào hết, để làm được việc này, ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam, của chính quyền các cấp, sự chủ động, tích cực của bản thân các HTX thì rất cần "cái bắt tay" tích cực, chặt chẽ của các doanh nghiệp với tinh thần Win - Win.
Phạm Duy