Đợt bão số 3-bão Yagi vừa qua, riêng ngành nông nghiệp đã thiệt hại gần 30.800 tỷ đồng, chiếm 70% thiệt hại trong cơn bão số 3.
Thực tế đáng lo ngại
Theo đại diện ngân hàng Agribank, ngân hàng này đã có 28.200 khách hàng vay vì ảnh hưởng bởi bão với dư nợ thiệt hại lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó vay do thiệt hại trực tiếp từ bão dự kiến lên đến 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp hiện nay còn khiêm tốn.
Cụ thể, trong số 512 khách hàng vay vì bị thiệt hại do bão số 3, chỉ có 105 khách hàng tham gia bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có 0,65% dư nợ thiệt hại của ngân hàng này được bảo vệ thông qua bảo hiểm.
Đây là một thực tế đáng lo ngại và là minh chứng cho việc cần gia tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp để bảo vệ vốn vay và tài sản của người dân, HTX.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng ý nghĩa của bảo hiểm nông nghiệp rất lớn nhưng cơ chế chính sách lại chưa thuận lợi cho người dân, HTX tham gia.
Đặc biệt, việc đầu năm 2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp cho thấy cơ chế, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Một trong những điểm khó khăn nữa là chi phí xác định thiệt hại trong nông nghiệp là không nhỏ. Nếu việc thống kê thiệt hại không chính xác thì các doanh nghiệp bảo hiểm không yên tâm dựa vào để bồi thường.
Bà Đinh Thị Hằng, Giám đốc HTX Hà Anh (Bắc Kạn) cho biết những quy định về vấn đề chuồng trại, tiêm vaccine, thức ăn… cho vật nuôi đều phải rõ ràng. Điều này chỉ phù hợp với những HTX nào chăn nuôi theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là lý do hạn chế tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Quan tâm đến đối tượng sản xuất hàng hóa
Trước sự biến đổi của thời tiết, khí hậu và những rủi ro mà ngành nông nghiệp phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, từ thực tế bởi cơn bão Yagi vừa diễn ra cho thấy, vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp cần được phát triển, đẩy mạnh hơn nữa. Đây cũng là vấn đề cấp bách để người dân, HTX có thể phát triển sản xuất kinh doanh bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.
Đặc biệt, nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực nhưng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải đối mặt với tổn thất kinh tế lên đến 67 tỷ USD trong vòng 50 năm tới nếu không có chiến lược phòng ngừa và bảo hiểm hiệu quả.
Theo đại diện ngân hàng Agribank, những năm qua, rủi ro thiên tai gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và nguồn vốn vay của người dân, HTX. Do đó, việc phân tán các rủi ro thông qua bảo hiểm nông nghiệp là rất quan trọng. Bảo hiểm nông nghiệp trên thực tiễn đã giúp hạn chế nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân ngoài ý muốn như thiên tại, dịch bệnh…
Việc đánh giá, lên kế hoạch chi trả và hoàn thiện hồ sơ chi trả bảo hiểm cần đơn giản để đáp ứng đúng nhu cầu trong thực tiễn. |
Để gia tăng tỷ lệ sử dụng bảo hiểm nông nghiệp, việc liên kết giữa các đơn vị bảo hiểm với các tổ chức tín dụng trong việc triển khai các gói tín dụng bảo hiểm cụ thể sẽ giúp người dân, HTX yên tâm đầu tư hơn. Ngoài ra, cần có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để nông dân dễ dàng tiếp cận với bảo hiểm nông nghiệp với chi phí hợp lý. Bởi hiện nay, nông dân sản xuất nông nghiệp nhưng nguồn thu từ ngành nghề này vẫn chưa cao.
Ông Lê Đức Thịnh, cho biết việc mở rộng đối tượng bảo hiểm trong bảo hiểm nông nghiệp là việc rất cần thiết. Muốn vậy, cần xem xét sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP sao cho phù hợp với thực tiễn. Hiện mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm với hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhưng hỗ trợ đối với đơn vị sản xuất hàng hóa như các chủ trang trại, HTX lại thấp hơn. Trong khi đây mới là đối tượng chính tham gia sản xuất hàng hóa.
“Việc hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp là không sai nhưng cũng cần chú ý hơn đến các đối tượng đang tham gia sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh và cho rằng việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất theo chuỗi, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, thực hiện quản trị rủi ro là hết sức cần thiết. Vì khi nông dân, HTX sản xuất được theo hướng bền vững thì sẽ nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Một điểm nữa đó là, Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Quy định này được đánh giá là nguồn cơn khiến ngân hàng thương mại càng thêm ngại ngần khi sử dụng hợp đồng bảo hiểm rủi ro, từ đó càng kìm hãm sự phát triển bảo hiểm nông nghiệp, do ngân hàng thương mại không trở thành kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm cho nông dân, HTX.
Huyền Trang