Tại HTX Nông nghiệp An Thạch (huyện Tuy An, Phú Yên), đội ngũ cán bộ tại HTX từ giám đốc tới kiểm soát viên 5 người, tất cả đều đã ngoài 60 tuổi nên không còn đủ nhanh nhạy với thị trường. Với mong muốn tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX rất cần những người trẻ về kế nghiệp, nhưng tới nay mô hình HTX nông nghiệp An Thạch vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chảy máu chất xám
Khó khăn tại HTX An Thạch cũng là khó khăn của không ít HTX, nhất là các HTX nông nghiệp khi khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia lý giải về việc HTX khó thu hút nguồn nhân lực trẻ về làm việc đó là do ở một số địa phương, hay ngay tại các HTX không đáp ứng ngành nghề mà con em mình theo đuổi.
Điều này là hiện hữu vì thực tế, vẫn còn nhiều ngành nghề không thuộc đặc thù hoạt động của các HTX hay các cơ quan ở vùng nông thôn như: công nghệ số, dầu khí, nguyên liệu, khoáng sản… Chính vì vậy, họ thường phải tìm kiếm cơ hội ở các thành phố lớn.
Cán bộ và người lao động lớn tuổi đang là một "rào cản" đến khả năng tiếp nhận khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến trong HTX. |
Nhưng ngay cả đối với những ngành nghề phổ biến như: thương mại, dịch vụ và đặc biệt là nông nghiệp thì môi trường làm việc ở khu vực HTX vẫn còn khoảng cách quá xa so với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn. Thống kê những năm gần đây cho thấy, một bộ phận không nhỏ sinh viên, thực tập sinh sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu tại một đơn vị thường có xu hướng ứng tuyển tại nơi mình được đào tạo hoặc ở địa phương được đào tạo, nhiều nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…
Ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn là một trong những vựa lúa lớn nhất cả nước với 2.000 HTX nông nghiệp, chiếm 14% tổng số HTX của cả nước cũng không đủ hấp dẫn thu hút các trí thức trẻ. Thậm chí là Cần Thơ - một trong những thành phố trực thuộc Trung ương, có đủ điều kiện cho các trí thức trẻ làm việc trên hầu hết các lĩnh vực khoa học nhưng "chất xám" vẫn đổ về TP.HCM.
Đây cũng là một trong những minh chứng khiến tỷ lệ lao động ở nông thôn giảm dần qua các năm. Theo báo cáo của bà Mayu ino, Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) tại Việt Nam, nếu như năm 2009, số hộ làm nông nghiệp ở Việt Nam chiếm 54% tổng lao động cả nước thì đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn 35%. Đây chính là những thách thức về nhân lực, lao động của ngành nông nghiệp cũng như của các HTX.
Không chỉ khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, ngay nguồn cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo như trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp tại các HTX còn thấp và không đồng đều. Theo thống kê của trường bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, hiện tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt 65%. Tuy nhiên trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18%, vẫn còn 35% số cán bộ quản lý các HTX chưa qua đào tạo bằng cấp, chuyên môn.
Khảo sát của Ts Nguyễn Bích Thủy, Trường đại học Thương mại (Hà Nội) cũng cho thấy, trong 450 người làm việc thường xuyên cho 89 HTX thì trong đó chỉ có 70 lao động trình độ đại học, 40 trình độ cao đẳng.
Ngoài trình độ học vấn chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển HTX. Một điểm đáng chú ý nữa là nguồn nhân lực đang tham gia công tác quản lý trong các HTX bao gồm HĐQT, giám đốc, phó giám đốc, thành viên ban kiểm soát... đều có độ tuổi trung bình khá cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp nhận khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến…
Thêm ưu đãi để "níu chân"
Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một số HTX buộc phải tự đổi mới để thu hút, giữ chân người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đơn cử như HTX Sinh dược Ninh Bình, đang thu hút 2 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc trong HĐQT HTX. Hiện, ngoài ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng lĩnh vực, HTX đã trực tiếp ra nước ngoài giới thiệu mặt hàng, liên kết đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, Sinh Dược là một trong những HTX hoạt động hiệu quả ở Ninh Bình với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, HTX còn thu hút các lao động trẻ đăng ký tham gia làm thành viên. Hiện mức lương của người lao động đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Cán bộ và người lao động trẻ là một trong những nền tảng giúp HTX Sinh dược Ninh Bình không ngừng mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả. |
Trên thực tế, đã có một số tỉnh, thành phố đưa ra những chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại HTX. Tiêu biểu như tại Lạng Sơn, mỗi HTX được thuê 1 lao động về làm việc, mức hỗ trợ bằng 1 lần mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn trí thức trẻ làm việc và thời hạn hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng. Hay tại TP. HCM hỗ trợ 2 người/HTX với mức phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng đối với người có trình độ đại học, 800 nghìn đồng đối với người có trình độ cao đẳng, và được hưởng trong vòng 36 tháng.
Dù đã có những đãi ngộ thiết thực như vậy, song đến nay, ở nhiều tỉnh thành, các HTX nông nghiệp vẫn rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác lâu dài.
Chẳng hạn, tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), mặc dù Ban giám đốc HTX tha thiết mời lao động trẻ có trình độ chuyên môn về làm việc nhưng không đáp ứng được bởi hầu như tri thức trẻ chọn doanh nghiệp, công ty để làm việc. Có HTX đã thu hút được trí thức về làm việc nhưng lại bố trí công việc chưa phù hợp nên chưa khai thác hết năng lực của đối tượng thu hút.
Để giải quyết khó khăn trên, Ts. Nguyễn Bích Thủy cho rằng cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn từ phía Nhà nước, chẳng hạn nâng mức phụ cấp lên 2-4 triệu đồng với lao động trình độ cao đẳng, đại học thay vì 800 nghìn đồng đến 1, 2 triệu đồng như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có thể kéo dài thời gian hưởng phụ cấp từ 4-5 năm để có thể hỗ trợ các trí thức trong thời gian đầu làm việc tại HTX.
Tuy nhiên, theo Ts. Thủy các HTX cũng cần xác định rằng chính sách của Nhà nước, địa phương chỉ là động lực hỗ trợ HTX trong giai đoạn nhất định, còn về lâu dài, HTX cần chủ động trong sản xuất kinh doanh mới có thể thu hút và giữ chân các trí thức trẻ lâu dài, từ đó nâng cao nhận thức về mô hình kinh tế tập thể.
Huyền Trang