Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình OCOP. Đến hết năm 2020, cả nước có 4.500 sản phẩm OCOP, trong đó 60% là sản phẩm 3 sao, 36% là sản phẩm 4 sao, 2% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đáng chú ý là trong số 1.400 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, 38% là các HTX.
Vẫn vướng ở khâu tiêu thụ
Việc hàng nghìn sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cho thấy sự chủ động của các địa phương, các chủ thể trong phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn, nhất là các HTX. Nhận thấy ý nghĩa của Chương trình OCOP, Liên minh HTX Việt Nam đã cùng Liên minh HTX các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với các HTX để tư vấn, hỗ trợ xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP, cũng như tạo điều kiện để HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP đang khuyến khích các HTX, tổ hợp tác (THT) ra đời, chuyển đổi và hoạt động theo đúng Luật HTX 2012. Bên cạnh đó, khi HTX, THT gắn sản xuất với tham gia OCOP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nền tảng phát triển các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn.
Một số sản phẩm OCOP chất lượng cao đã được các siêu thị nước ngoài phân phối, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra là không ít HTX sản xuất sản phẩm OCOP vẫn đang gặp những khó khăn về thị trường. Chẳng hạn như HTX mật ong Điện Biên (tỉnh Điện Biên) mỗi năm sản xuất 80-100 tấn mật ong, trong đó sản phẩm mật ong hoa ban được đánh giá, xếp loại 4 sao OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ của HTX lại không hề dễ dàng. Cùng với đó là tình trạng người dân chưa hiểu rõ về sản phẩm OCOP nên chưa mặn mà sử dụng.
Trao đổi với VnBusiness, Giám đốc Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, đã có doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm của HTX, nhưng hợp đồng vẫn chưa được ký kết do doanh nghiệp và HTX chưa thể thống nhất được giá sản phẩm.
“Năm 2020, 40% mật ong của HTX được bán buôn cho các đầu mối quen biết, còn lại là tự bán lẻ”, ông Đạt chia sẻ.
Sản phẩm thịt chua Thanh Sơn đã đạt OCOP 3 sao nhưng vẫn chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng lớn. |
Tại Phú Thọ, HTX thịt chua Thanh Sơn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nhãn mác để đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Tuy đã liên kết được với một số đại lý, nhà phân phối nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân là một số đại lý, nhà phân phối chỉ chấp nhận cho HTX ký gửi sản phẩm nên dù có mặt ở các cửa hàng nông sản nhưng sản phẩm không được chú trọng tiếp thị. Sau một thời gian không bán được, số lượng thịt chua sẽ bị hoàn trả. Hoặc nếu bán được sẽ thanh toán trả chậm trong vòng 40-45 ngày khiến HTX gặp khó khăn trong thu hồi vốn. Hiện, 60-70% sản phẩm được các thành viên bán qua các trang mạng xã hội cá nhân và bán lẻ, rất ít đơn hàng lớn.
Đây là thực trạng chung của không ít HTX tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các cơ sở sản xuất do HTX, THT làm chủ thường gặp vướng mắc ở khâu tiêu thụ.
Nguyên nhân chủ yếu là do các HTX, THT còn hạn chế, khó khăn trong PR hay marketing chuyên nghiệp, hoặc chưa nhận được sự hỗ trợ chuyên sâu trong lĩnh vực quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ địa phương. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, hoặc đã tuyên truyền nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, khiến HTX phải "tự bơi" trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, Chương trình OCOP mới được triển khai trên diện rộng trong 2 năm gần đây.
Tăng “sao” trong mắt người tiêu dùng
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, OCOP là cơ hội đến "sân chơi lớn" cho các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên, làm sao sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận và giúp nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân là chuyện không phải một sớm một chiều, mà cần sự vào cuộc từ mọi nguồn lực.
Năm 2018, bí thơm Ba Bể (Bắc Kạn) từng rơi vào tình trạng “dội chợ”. Chỉ riêng tại xã Thiện Minh cũng có thể sản xuất 350-400 tấn bí/năm mà không có người thu mua. Tình trạng này khiến người dân không mặn mà với loại cây vốn được coi là đặc sản của địa phương.
Thế nhưng, trong 2 năm qua, những quả bí thơm đã được “đổi phận” khi có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội và bán với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Để có được điều này là nhờ địa phương chú trọng đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với sự dẫn dắt của các mô hình kinh tế hợp tác như THT bí xanh thơm Địa Linh, HTX nông nghiệp Thanh Đức, HTX Nhung Lũy… Các THT, HTX chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo số lượng và chất lượng song song với xúc tiến thương mại có hệ thống, nên quả bí đã có đầu ra ổn định.
Giám đốc Đinh Thị Tuyết cho biết, đối với sản xuất, HTX Nhung Lũy quy hoạch vùng trồng phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Người dân cũng được tập huấn để bảo đảm đúng quy trình đã ký kết với doanh nghiệp.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương thành công trong phát triển Chương trình OCOP. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là với mục tiêu xa hơn là phục phụ xuất khẩu, trong năm 2020, tỉnh đã thắt chặt quản lý chất lượng khi cương quyết loại bỏ 65 sản phẩm không đủ khả năng hoàn thiện ra khỏi Chương trình OCOP, từ đó khuyến khích các địa phương, HTX đầu tư xây dựng các sản phẩm chất lượng cao.
Bí xanh Bắc Kạn đã tiếp cận được người tiêu dùng Hà Nội thông qua việc tham gia hội chợ của các HTX, THT. |
Trong khi không ít địa phương loay hoay về đầu ra cho nông sản OCOP vì đang tập trung vào số lượng, thì Bắc Kạn, Quảng Ninh lại lựa chọn phát triển chất lượng để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại bằng nhiều cách khác nhau ở trong và ngoài tỉnh không chỉ mở rộng đầu ra, mà còn nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình OCOP và mô hình kinh tế hợp tác.
Theo các chuyên gia, các HTX hiện vẫn chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm OCOP mà chưa chú trọng đến vấn đề thương mại. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải có hệ thống phân phối, logistics… Việc cân đối giữa năng suất và chi phí phân phối, logistics cần hợp lý để sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội giá.
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc quảng bá để người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm OCOP thông qua các kênh truyền thông kết hợp giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, gian hàng thương mại để nâng cao trải nghiệm thực tế.
Mục tiêu của Bộ NN&PTNT là đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 40% chủ thể là HTX. Nếu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực của các cấp ngành trong việc sản xuất và tiêu thụ, đây sẽ là điều kiện để các HTX, THT tích cực xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín gắn với vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Huyền Trang