Ngày 22/12/2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong khu vực công” nhằm giới thiệu Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam.
Khảo sát cho thấy 55% cá nhân ở đơn vị cấp bộ và 60% cá nhân ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng đơn vị thực hiện đổi mới quy trình và đổi mới sáng tạo trên hết nhằm cải thiện hiệu suất, hiệu quả của đơn vị. |
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm NIC, nhấn mạnh rằng: “Thử nghiệm khung tiêu chí đổi mới sáng tạo trong khu vực công được xây dựng nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường đổi mới sáng tạo và năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công".
Đồng thời, việc thử nghiệm khung tiêu chí giúp các đơn vị trong khu vực công nhìn nhận rõ mức độ và động lực đổi mới sáng tạo của đơn vị mình. Trong tương lai, thử nghiệm khung tiêu chí đổi mới sáng tạo trong khu vực công được kì vọng sẽ là thước đo tin cậy để các đơn vị, tổ chức trong khu vực công tự đánh giá được năng lực đổi mới sáng tạo của mình, từ đó điều chỉnh và triển khai các giải pháp phù hợp dựa trên các khuyến nghị được xây dựng bởi chuyên gia của NIC”.
Những kết quả thu thập ban đầu từ khảo sát thử nghiệm tại Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh và Cục Quản lý Đấu thầu của Bộ KH&ĐT; và Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Ninh Thuận và Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra một số tín hiệu đáng mừng như: khoảng 36% người được hỏi của Bộ KH&ĐT và 27% người được hỏi ở 3 tỉnh cho rằng đơn vị mình thực hiện đổi mới sản phẩm, dịch vụ trong 2 năm qua; 55% cá nhân ở đơn vị cấp bộ và 60% cá nhân ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng đơn vị thực hiện đổi mới quy trình và đổi mới sáng tạo trên hết nhằm cải thiện hiệu suất, hiệu quả của đơn vị.
Thứ hai, tỷ lệ nhân lực đáp ứng các yêu cầu đề xuất và thực hiện đổi mới sáng tạo khá cao. Thứ ba, hơn 50% cá nhân được khảo sát đánh giá quy trình, thủ tục tiến hành đổi mới sáng tạo là nhanh chóng, linh hoạt. Thứ tư, khoảng 68,2% cá nhân được hỏi ở đơn vị cấp bộ và 35,7% cá nhân được hỏi ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng đơn vị mình đã có chiến lược đổi mới sáng tạo, chủ yếu là các chiến lược trung hạn.
Chỉ ra cơ hội cho đổi mới sáng tạo khu vực công tại Việt Nam, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm NIC, cho hay quá trình chuyển đổi đã bắt đầu diễn ra ở Việt Nam, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch… Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đầu tư mạo hiểm triển vọng nhất ASEAN. Cụ thể, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm.
Tuy nhiên, ông Hoài cũng chỉ ra những thách thức đổi mới sáng tạo khu vực công tại Việt Nam, đó là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu, đặc biệt là trong khu vực công. Chất lượng về đào tạo không đồng đều, các cơ sở còn thiếu trang thiết bị, phương pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Nhận thức của công chức trong các đơn vị hành chính công còn hạn chế, nguồn thu nhập, mức lương thấp so với các nước có nền hành chính công được số hóa…
Hiện nay, Chính phủ vẫn còn sử dụng tiền mặt. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề như tham nhũng, tiêu tốn ngân sách và các vấn đề liên quan. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong khu vực công cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công vẫn còn tồn đọng những hạn chế như đơn vị cấp tỉnh ít có ngân sách riêng, gặp khó khăn hơn về tài chính cho đổi mới sáng tạo và ít nhận được hỗ trợ về tài chính để thực hiện đổi mới sáng tạo.
Do vậy, việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công là mục tiêu chính của các Chính phủ. Xây dựng khả năng nhận dạng và đánh giá khả năng đổi mới sáng tạo trong khu vực công, đặc biệt là trong xây dựng chính sách, cung cấp dịch vụ là cần thiết để các chính sách và dịch vụ công hướng tới mục tiêu và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng tốt hơn và hiệu quả hơn. Đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng khi các cách tiếp cận truyền thống không thể giải quyết các vấn đề phức tạp và nan giải mà xã hội phải đối mặt.
Thy Lê