Từ hai năm nay, một công ty sản xuất xi măng đã theo đuổi dự án "Vracbank - Đổi rác, lấy tiền" trên các địa bàn như Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh.
"Đổi rác, lấy tiền"
Tại mô hình Vracbank, người dùng được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân và quy đổi ra thành tiền hoặc điểm tích lũy trong tài khoản.
"Trong quá trình sản xuất xi măng tại nhà máy, chúng tôi đã hình thành ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu than kết hợp với rác thải nhựa, rác thải công nghiệp từ ngành may mặc và giày da. Từ đó, giảm giá nguyên liệu trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, đồng thời xử lý được khối lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế trong dân cư và các công trình, nhà máy, khu công nghiệp", ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng giám đốc CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh QNC, chia sẻ với VnBusiness.
Rác được thu gom, phân loại như giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang tới “ngân hàng rác” để đổi lấy tiền. |
Theo thống kê, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2024, Vracbank thu gom hơn 650 tấn rác, chi trả hơn 1,7 tỷ đồng cho người dân. Việc sử dụng rác vào nung clinker cho sản xuất xi măng cũng giúp tiết kiệm được khoảng 10 - 15% khối lượng than, tương đương tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Dự án "Đổi rác, rút tiền" chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến được TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung triển khai trong thời gian qua nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại Hội thảo về chất thải rắn sinh hoạt và nền kinh tế tuần hoàn tổ chức mới đây, ông Lê Anh Vũ, đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam nhấn mạnh, quản lý chất thải rắn đã trở thành một thách thức cấp bách ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng công nghiệp và những thay đổi trong mô hình tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng về khối lượng và độ phức tạp của chất thải. Điều này đã dẫn đến ô nhiễm môi trường đáng kể, cạn kiệt tài nguyên và các mối nguy hiểm về sức khỏe người dân.
“Tuy nhiên, bên trong những thách thức này ẩn chứa những cơ hội cho sự đổi mới và phát triển bền vững. Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đưa ra một lộ trình đầy hứa hẹn để giải quyết bài toán kể trên”, đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam nhấn mạnh.
Coi rác thải là tài nguyên
Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2021, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày.
Ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho biết “quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại”.
Kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì…
Trên thực tế, Việt Nam đã có một số mô hình thể hiện cách tiếp cận của kinh tế tuần hoàn, ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn, trong nông nghiệp là mô hình V-A-C khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất để đảm bảo kinh tế và giải quyết vấn đề môi trường.
Trong công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sử dụng phế phẩm, phụ phẩm như phế phẩm mía để làm rượu, phát điện; tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng.
Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, LaVie, Nestle, Nutifood… với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030.
Hoạt động thu gom rác ven bờ Vịnh Hạ Long. |
Trở lại với câu chuyện áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Vịnh Hạ Long - một điểm đến du lịch nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới. Theo bà Mai Thuỳ Trang, đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, giải pháp quản lý rác thải trên vịnh Hạ Long được thực hiện đồng bộ, từ công tác thu gom rác trôi nổi trên mặt nước, ven bờ vùng đệm; phân loại rác tại các điểm tham quan; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh đến tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, khách du lịch, người dân khu vực ven bờ vịnh và ngư dân trên vịnh; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước về kỹ thuật, kinh phí.
Nhờ vậy, chất lượng môi trường Vịnh Hạ Long ngày càng được cải thiện, các khu vực phát sinh rác thải cơ bản được kịp thời xử lý, ý thức người dân và du khách được nâng cao.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cho những địa phương khác, theo ông Đoàn Duy Vinh, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh, cần sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Đỗ Kiều