Ngày 25/10 tại Hà Nội, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 do Bộ KH&ĐT chủ trì, được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Meta chính thức được phát động.
Phát động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022. |
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong khi đó chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, Việt Nam phải vược qua được “bẫy” thu nhập trung bình. Hiện nay, cả thế giới chỉ có 12 quốc gia làm được điều này. Vậy làm sao để chúng ta vượt qua được?
Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng con đường duy nhất, cơ hội duy nhất là bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để giúp Việt Nam đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên ở nấc thang cao hơn. Trên cơ sở đó giúp Việt Nam vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình, xây dựng nền kinh tế có tính thích ứng, chống chịu cao hơn.
Từ nhận thức đó, Việt Nam đang tập trung xây dựng thể chế, chương trình hành động cụ thể để triển khai đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, khảo sát các doanh nghiệp hiện nay cho thấy có 2 khó khăn nổi lên khi ứng dụng đổi mới sáng tạo, đó là hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và công nghệ; 52% doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân lực.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là chương trình chiến lược để tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các đối tác trong và ngoài nước chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam thịnh vượng".
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đánh giá khi những lợi thế như đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ không còn, muốn thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình thì Việt Nam chỉ có một “động cơ” duy nhất là đổi mới sáng tạo.
“Các bạn thanh viên Việt Nam, các Startup Việt Nam hãy tích cực tham gia vào cuộc đua nghiên cứu, ứng dụng đổi mới sáng tạo. Đây là sân chơi chứng tỏ năng lực, khát vọng của các bạn”, Chủ tịch Tập đoàn Tập đoàn FPT kêu gọi.
TS. Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, nhận định: “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 là minh chứng cho cam kết đồng hành của Meta đối với Chính phủ và các doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, các giải pháp được đưa ra tại chương trình sẽ là những hạt nhân thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hơn tám trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam".
Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge) là chương trình thường niên nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN). InnovateVN được khởi xướng bởi Bộ KH&ĐT, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, quy trình mới.
Sáng kiến hướng đến hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030, cũng như, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại các cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, InnovateVN là hạt nhân phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện tại Việt Nam, khởi tạo điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự tham gia của nhóm 500 tập đoàn lớn nhất trên thế giới.
Lê Thúy