Tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đánh giá, điều này cho thấy tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm công nghệ đang lên, thu hút sự chú ý và đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Việt Nam như một trung tâm công nghệ đang lên. |
Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). 3 loại hình bên mua chủ yếu tham gia vào thị trường Việt Nam, bao gồm: công ty quy mô khu vực, công ty công nghệ trong nước và tập đoàn trong nước.
Khi thị trường ngày một trưởng thành, các công ty và tập đoàn trong nước ngày càng đóng vai trò chủ động hơn trong thị trường M&A, tích cực tìm kiếm những thương vụ chiến lược giúp họ nâng cao năng lực công nghệ và mở rộng thị trường.
Theo bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, năm 2023 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, với điểm mức độ sẵn sàng ở tất cả các ngành đều vượt lên trên trung bình (>2,5), tăng từ 0,7-1,4 điểm so với năm 2022. Các DN tham gia đánh giá có mức độ nhận thức về chuyển đổi số đạt mức Nâng cao. DN ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của công ty, sẵn sàng cho việc triển khai.
Mặc dù vậy, Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2023, cho thấy đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.
Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia: 1%.
Doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo. 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.
Trong bối cảnh này, đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, thuật ngữ "Chuyển đổi Kép" - xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Theo đó, tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.
"Chuyển đổi Kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường", bà Hương nhấn mạnh.
Phó Giám đốc NIC nhấn mạnh cần thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi (lĩnh vực kinh doanh, công nghệ) như sàn giao dịch tín chỉ carbon; bổ sung các giải pháp khuyến khích huy động nguồn lực cho đổi mới sáng tạo như quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng; Đẩy mạnh huy động nguồn vốn của dự án hỗ trợ ODA, xây dựng chương trình, dự án lớn dài hạn, có trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, hỗ trợ cho các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, startup, nhân tài.
Lê Thúy