Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông qua quyết định đưa cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương (Thủy sản Hùng Vương) vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 15/5. Lý do là bởi công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trên website, Thủy sản Hùng Vương cũng đã đăng thông tin về việc cổ phiếu bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch, nhưng chưa đề cập tới hướng giải quyết vi phạm.
"Tạo sóng" tăng giá
Việc chậm công bố báo cáo tài chính (BCTC) của Thủy sản Hùng Vương diễn ra trong bối cảnh gần đây có nhiều biến động, với sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) với tỷ lệ nắm giữ tại công ty đã được nâng lên 35,01%.
Cụ thể, Thaco nắm 26,26% cổ phần tại Thủy sản Hùng Vương; Sản xuất và Thương mại Trân Oanh - một doanh nghiệp của nhà ông Trần Bá Dương nắm 3,79% vốn và ông Dương nắm giữ 4,96% vốn.
Sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn Thaco đã làm tăng kỳ vọng vào sự hồi phục của Thủy sản Hùng Vương, nhưng cổ phiếu HVG trên sàn chứng khoán lại đi theo xu hướng giảm. Cụ thể, thị giá của HVG đã lao dốc từ vùng 8.600 đồng/cp xuống còn 5.100 đồng/cp, tương đương giảm gần 41%.
Nhà đầu tư chiến lược có thể mang lại kỳ vọng nhưng không thể là yếu tố quyết định tăng giá cổ phiếu. (Ảnh: Internet) |
Thực tế, trước khi có sự góp mặt của Thaco, cổ phiếu HVG đã liên tiếp tạo đáy về mức dưới 3.000 đồng/cp. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, tức là thời điểm xuất hiện thông tin về việc Thaco sẽ rót vốn, cổ phiếu HVG đã ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp 20 phiên, trong đó có 16 phiên tăng trần, và tiếp tục duy trì sức tăng lên gần chạm ngưỡng 9.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Thaco ra tay “cứu” một doanh nghiệp (DN) nợ nần. Trước đó, sự hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai đã góp phần đưa bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG “dậy sóng” một thời gian.
Trường hợp của cổ phiếu YEG cũng là một ví dụ điển hình cho sự đảm bảo của nhà đầu tư chiến lược đối với giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Từng là “siêu sao” với mức giá chào sàn 300.000 đồng/cp, đầu năm 2019 Yeah1 tiếp tục thể hiện tham vọng lớn khi muốn lấn sân thị trường quốc tế thông qua hàng loạt thương vụ với ScaleLad, Springme Network, Something Big…
Song, sự cố với Youtube đã thổi bay mọi kế hoạch, trụ cột tăng trưởng bị phá vỡ khiến cổ phiếu YEG không ngừng rơi về mức 50.000 đồng/cp. Tuy nhiên, sau thông tin ái nữ nhà Tân Hiệp Phát là bà Trần Uyên Phương đã mua vào 6 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông chiến lược của Yeah1 với tổng tỷ lệ sở hữu đạt 21,61% đã khiến thị giá YEG leo thang lên 83.000 đồng/cp.
...Nhưng không là tất cả
Không chỉ HVG, nhìn vào diễn biến của các cổ phiếu có thể tìm thấy được một điểm chung là “tăng vội, giảm nhanh”. Sau thời gian thăng hoa cùng nhà đầu tư chiến lược nổi tiếng, cổ phiếu YEG đã rơi vào chuỗi ngày giảm sàn kéo dài, thậm chí có lúc giảm xuống mức hơn 45.000 đồng/cp.
Hiện, YEG đã có những bước hồi phục lên vùng giá 55.000 đồng/cp trước xu thế chung của thị trường, tuy nhiên, so với mức giá 83.000 đồng/cp cách đây 2 tháng, mã cổ phiếu này vẫn giảm gần 34% và chỉ nhỉnh hơn vạch xuất phát khoảng 10%.
Tương tự, bộ đôi HAG và HNG cũng liên tục thăng hoa trong giai đoạn giữa năm 2018, nhưng sau đó đều giật lùi, thậm chí sâu hơn vạch xuất phát.
Thực tế, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào quá trình hồi phục của các doanh nghiệp là cần thiết, giúp duy trì và vực dậy những "đế chế" một thời. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi, nhiều thông tin về "sức khỏe" thực sự của DN vẫn chưa được công bố hoặc chậm công bố khiến nhiều nhà đầu tư cổ phiếu bị ảnh hưởng.
Đối với với trường hợp của Thủy sản Hùng Vương, nhiều ý kiến cho rằng, công ty cần thêm thời gian để có thể gặt hái được những thành công sau khi tái cấu trúc.
Nhưng cũng vì sự xuất hiện của các cổ đông mới, mỗi quyết định của Thủy sản Hùng Vương sẽ thận trọng hơn và sự bứt phá cũng không dễ dàng trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản gặp khó vì dịch bệnh.
Trong khi đó, BCTC kiểm toán năm 2019 của Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận sâu so với BCTC tự lập.
Cũng theo BCTC kiểm toán, năm 2019 nhờ sự giúp đỡ của Thaco, tình hình kinh doanh của công ty đã được cải thiện với lợi nhuận sau thuế năm tăng vọt lên 253 tỷ đồng. Tuy nhiên, BCTC kiểm toán cho thấy, công ty bất ngờ thua lỗ tới hơn 2.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cả nghìn tỷ đồng. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng rất nhiều lần vi phạm việc công bố thông tin.
Trên thị trường chứng khoán, không riêng Hoàng Anh Gia Lai, Thủy sản Hùng Vương, Yeah1..., nhiều DN lớn khác cũng đều mắc sai lầm trong đầu tư kinh doanh dẫn đến hậu quả khó khắc phục.
Không ít DN đã tìm cho mình nhà đầu tư chiến lược để thoát khỏi tình cảnh mất thanh khoản, nhưng yếu tố quyết định giá cổ phiếu vẫn là những tiềm lực cơ bản của chính DN.
Linh Đan