PVPower lựa chọn ưu tiên việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu |
Ngày 26/6/2018, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – mã: POW) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ nhất. Theo kế hoạch, từ ngày 1/7, PV Power sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tại đại hội, một cổ đông đã đưa ra câu hỏi về việc tại buổi roadshow được tổ chức trước khi IPO, lãnh đạo PV Power cho biết đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty. Tuy nhiên, theo như báo cáo, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ, tức là việc tìm nhà đầu tư chiến lược của công ty đã thất bại hoàn toàn?
Trả lời câu hỏi này của cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hòa cho biết, việc bán cho nhà đầu tư chiến lược 28,9% vốn là một thương vụ lớn, giá trị có thể lên tới 10.000 tỷ đồng. Do đó, trong thời hạn chỉ có 3 tháng, khó có thể có nhà đầu tư nước ngoài nào quyết định việc mua cổ phần của PV Power.
Mặc dù vẫn được gia hạn thời gian cho các nhà đầu tư chiến lược đăng ký, nhưng nếu tiếp tục xin gia hạn sẽ chưa thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông, như vậy, quyền lợi của các cổ đông sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, PV Power lựa chọn ưu tiên việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu, còn về cổ đông chiến lược vẫn sẽ thực hiện nhưng sẽ theo một lộ trình khác, minh bạch hơn, cụ thể hơn.
Phát biểu tại đại hội, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN kiêm Trưởng ban cổ phần hóa PV Power cho biết, việc chưa tìm được cổ đông chiến lược chỉ là thời gian, tất cả đều được thực hiện theo quy định của pháp luật.
PVN cam kết thoái vốn đúng lộ trình, trước tiên là theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt, với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước dự kiến sẽ giảm từ 100% xuống còn 51%. Tới năm 2025, PVN sẽ giảm sở hữu tại PV Power xuống còn 36%.
“Tuy nhiên, nếu PV Power có thể hoàn thành tái cấu trúc các khoản vay vào năm 2019, PVN có thể sớm tiến hành giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%”, ông Sơn nói.
Trước đó, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước rất thành công như Sabeco, Nhựa Bình Minh, Vinamilk…, đáng chú ý là thương vụ tại Sabeco có giá trị 110.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ này đều không gặp khó khăn trong công tác tìm kiếm cổ đông chiến lược, đặc biệt điểm chung của các thương vụ này là cổ đông chiến lược sẵn sàng bỏ ra mức giá cao để có được số cổ phần được rao bán.
Tại buổi roadshow được tổ chức trước khi IPO, ban lãnh đạo Tổng công ty đã thông báo tới cổ đông thông tin PV Power đã tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư và nhận được thư quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của 30 nhà đầu tư.
Vậy lý do gì khiến 30 nhà đầu tư này gặp khó trong quyết định, khi PV Power luôn được đánh giá cao cả về chất và lượng?
Còn nhớ, tại phiên IPO của PV Power tổ chức hồi đầu năm 2018, đã có 1.928 nhà đầu tư trúng giá, bao gồm 94 nhà đầu tư tổ chức và 1.834 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân là 14.938 đồng/cp, cao hơn 3,7% so với giá khởi điểm.
Tổng số cổ phần bán được là 468,37 triệu (thành công 100%) với giá trị chào bán xấp xỉ 6.997 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 284,44 triệu cổ phần, chiếm 60% lượng đấu giá.
Tại đại hội, lãnh đạo PV Power cho biết, PV Power dự kiến niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn cuối năm 2018. Ngoài ra, PV Power cũng sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 3% trong nửa cuối năm.
Theo đó, với tỷ lệ còn nắm giữ hiện tại lên tới gần 80%, cổ đông nhà nước - PVN, có thể nhận về khoảng 560 tỷ đồng tiền mặt.
Thùy Linh