Ngày 5/9 tới, công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bán đấu giá công khai hơn 488 triệu cổ phần, tương đương 34,8% vốn điều lệ tại Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Trong đó có 207,9 triệu cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược (chiếm 14,8% vốn điều lệ), số cổ phần dự kiến đưa ra đấu giá công khai trước đó là 280,9 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn.
Bỏ qua SK Securities
Tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của Vinaline là ngày 12/7/2018, doanh nghiệp hàng hải số một Việt Nam đã nhận được hồ sơ xin làm nhà đầu tư chiến lược của SK Securities.
SK Securites là tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành lớn thứ 3 Hàn Quốc. Tập đoàn này có gần 100 chi nhánh, công ty con và hơn 100 văn phòng trên khắp thế giới, tổng doanh thu hơn 70 tỷ USD.
Lượng cổ phần được Chính phủ phê duyệt cho Vinalines bán cho cổ đông chiến lược là 207,9 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ.
Tại văn bản công bố thông tin chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vinalines cho biết doanh nghiệp luôn mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn.
Để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines, doanh nghiệp cần đáp ứng khá nhiều điều kiện khắt khe. Cụ thể, nhà đầu tư là doanh nghiệp cùng ngành nghề, có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; nếu nhà đầu tư ngoài ngành, mức vốn điều lệ tối thiểu phải là 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinalines còn yêu cầu doanh nghiệp muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả kinh doanh tốt, ít nhất hai năm lãi liên tục trước khi mua cổ phần tại Vinalines…
Sau quá trình phê duyệt, dù SK Securities đủ năng lực tài chính nhưng không cam kết hỗ trợ Vinalines về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực… Do đó, SK Securities không đủ điều kiện trở thành cổ đông chiến lược của Vinalines.
Trên thực tế, nhà đầu tư chiến lược được xem là một "luồng gió mới", đòn bẩy quan trọng trong công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, do được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp "thay máu" cả về tài chính lẫn quy trình quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Là một doanh nghiệp hàng hải lớn nhưng Vinalines đã từng có quãng thời gian đen tối với kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên, dù đã báo lãi trở lại nhưng vẫn còn tương đối "mỏng".
Tuy nhiên, việc quá "kén" của Vinalines là hoàn toàn có cơ sở khi Tổng công ty đang sở hữu đội tàu gồm 84 chiếc; 14 công ty liên kết khai thác cảng biển và 1 công ty khai thác cảng sông; tổng tài sản có giá đạt hơn 4.000 tỷ đồng…
Ngoài ra, Vinalines quản lý tổng diện tích hơn 1 triệu m2 đất, trong đó đất do Nhà nước giao là 871.000 m2, đất Nhà nước cho thuê là 177.163 m2… Tổng giá trị quyền sử dụng đất của Vinalines là hơn 733 tỷ đồng.
Bộ GTVT đã quyết định chuyển 14,8% cổ phần Vinalines bán cho nhà đầu tư chiến lược sang bán đấu giá công khai ra công chúng |
Đặt niềm tin "giữa chợ"
Do không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược nào, Bộ GTVT đã quyết định chuyển 14,8% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược sang bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO), nâng tỷ lệ cổ phần được IPO là 34,8%.
Như vậy, thay vì bán một phần vốn cho một nhà đầu tư được lựa chọn với nhiều tiêu chí khắt khe thì Vinalines lại quyết định chào bán cổ phần giữa "chợ".
Vinalines cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, bởi việc đấu giá công khai có thể sẽ thành công ngoài mong đợi nhưng cũng không ít doanh nghiệp phải ngậm ngùi vì "ế" nặng cổ phần.
Theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, Vinalines sẽ cổ phần hóa theo hình thức kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, sau cổ phần hóa, Vinalines sẽ có vốn điều lệ hơn 14.046 tỷ đồng, Nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn điều lệ (11.946 tỷ đồng).
Bên cạnh những lợi thế về tài sản, việc cổ đông Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần, có quyền chi phối lại là một bất lợi của Vinalines trong đợt IPO tới đây.
Theo đại diện của Vinalines, phiên IPO tới đây sẽ phải chờ cơ hội từ những nhà đầu tư trong nước và các quỹ đầu tư sẵn sàng mua lượng vốn lớn để giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh.
Sau 3 năm tiến hành tái cơ cấu (2012 – 2015), bắt đầu từ năm 2015, Vinalines công bố đã đạt lợi nhuận dương. Hiện gánh nặng nợ nần quá khứ của Vinalines cũng đã được xả bớt khi số nợ từ 11.400 tỷ đồng năm 2014 đã giảm xuống còn 2.610 tỷ đồng năm 2017.
Tuy nhiên, dù thị trường vận tải biển đã ổn định, nhưng giá cước và cho thuê tàu vẫn ở mức thấp, các chủ tàu tư nhân trong nước đã tận dụng việc đầu tư được tàu giá thấp phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, gia tăng sức cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, việc di dời các cảng biển như: Hải Phòng, Sài Gòn theo kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương đã ảnh hưởng đến năng lực khai thác cảng, giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng.
Theo một chuyên gia chứng khoán nhận định, Vinalines là doanh nghiệp lớn nhất của ngành giao thông được cổ phần hóa, nhưng với những "vết đen" quá khứ cùng sự kén chọn của doanh nghiệp, kết quả của đợt IPO tới đây được cho là rất khó dự đoán.
Linh Đan