Mới đây, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã đăng ký bán hơn 5 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, giao dịch sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 17/2 tới ngày 17/3. Cùng thời gian này, Tổng giám đốc Yeah1 - ông Đào Phúc Trí cũng đăng ký bán tối đa 1 triệu cổ phiếu YEG cho đối tác chiến lược và chuyển quyền góp vốn 100.000 cổ phiếu khác vào CTCP Unicorn Venture.
Tổng lượng cổ phiếu YEG mà 2 lãnh đạo lớn nhất công ty đăng ký bán ra là 6 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 19,34% vốn điều lệ của Yeah1 được thực hiện theo phương thức giao dịch thoả thuận.
Quá khứ "siêu cổ phiếu"
Nếu hoàn thành việc chuyển nhượng, tổng tỉ lệ sở hữu của hai nhà sáng lập Tập đoàn Yeah1 sẽ giảm mạnh về 30,3%, vẫn đảm bảo là nhóm cổ đông lớn nhất tại Yeah1. Trong đó, ông Tống sẽ sở hữu 25,52%, ông Trí sở hữu 4,87% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.
Hiện, cơ cấu cổ đông lớn của Yeah1 gồm ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sở hữu 41,66% vốn, ông Đào Phúc Trí nắm 8,29% vốn, DFJ VinaCapital Venture nắm 6,84% vốn, Ancla Assets Limited là 10,93%. Bên cạnh đó, khoảng 23,69% cổ phần Yeah1 được nắm giữ bởi các cổ đông nhỏ với tỷ lệ dưới 5% và 5,67% cổ phiếu quỹ.
Cổ phiếu YEG chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ 26/6/2018 với tổng số lượng là 27,37 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 250.000 đồng/cp. Ngay sau khi niêm yết, YEG đã gây xôn xao sàn chứng khoán khi đạt đỉnh 343.400 đồng/cp, vượt qua cả giá trị của SAB (Sabeco) tại thời điểm đó.
Sau khi niêm yết, Yeah1 đã tiến hành phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phiếu cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống với giá 300.000 đồng/cp, số tiền thu về từ đợt chào bán là 1.173 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí, tổng thu ròng là 1.147 tỷ đồng.
Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu YEG trên thị trường đang dao động quanh mức 200.000 đồng/cp. Như vậy Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã mua lượng cổ phiếu YEG nói trên với giá gấp rưỡi, số tiền chênh lệch lên tới 400 tỷ đồng.
Được biết, việc ông Tống mua cổ phần phát hành riêng lẻ này đã được thông tin trong bản cáo bạch niêm yết hồi tháng 6/2018 và đây là một phần trong quá trình tái cơ cấu cổ đông dựa trên thoả thuận giữa các cổ đông lớn và nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết.
Được thành lập từ năm 2006, Yeah1 khởi đầu là trang thông tin điện tử cung cấp thông tin cho giới trẻ với doanh thu 150 USD . Đến thời điểm niêm yết, Yeah1 hoạt động với mảng kinh doanh truyền thống và mảng kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và Google - đây là nguồn mang lợi nhuận chính của công ty.
Cũng theo Yeah1, quảng cáo trực tuyến trên thế giới chiếm thị phần 44% nhưng tại Việt Nam chỉ mới ở mức sơ khai. Với kỳ vọng tăng trưởng kép 30%/năm thì đến năm 2020, quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam sẽ có doanh số 190 triệu USD.
Và ban lãnh đạo Yeah1 cũng như đối tác tư vấn niêm yết là CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã “vẽ” ra kế hoạch kinh doanh hoành tráng với tốc độ tăng trưởng kép cùng doanh thu là 44,83% và lợi nhuận sau thuế 93,1% cho giai đoạn 2017-2022.
Dự kiến đến năm 2022, công ty sẽ đạt doanh thu 7.756 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng. Đây là cũng là cơ sở để Yeah1 và HSC đưa ra mức chào sàn "gây sốc" của YEG thời điểm đó.
Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sẽ chấp nhận bán lỗ cổ phiếu YEG? |
Yeah1 còn lại gì?
Khi mọi chuyện đang hứa hẹn những điều tốt đẹp với “ngôi sao đang lên” Yeah1, vào một ngày đầu tháng 3/2019, bất ngờ người khổng lồ YouTube tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung số với Yeah1 Network.
Việc dừng hợp tác của Youtube đã khiến cổ phiếu YEG lao dốc "ngoài tầm kiểm soát" khi giảm sàn 13 phiên liên tiếp từ 245.000 đồng/cp về còn 95.700 đồng/cp bất chất việc ông Tống lên tiếng trấn an rằng youtube chỉ chiếm phần nhỏ trong hệ sinh thái của Yeah1.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nghĩ vâỵ và YEG tiếp tục lao về vùng giá 65.000 đồng/cp. Để chặn đà rơi của cổ phiếu YEG, mới đây, nhiều cổ đông lớn của YEG đã liên tục mua vào cổ phiếu này, trong đó DFJ Vina Capital Venture Invesrment đã mua vào 910.000 cổ phiếu YEG.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT của YEG cũng đã mua thêm 1,6 triệu cổ phiếu YEG, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ hơn 11,4 triệu đơn vị lên hơn 13 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 44,17%. Trong khi đó, ông Đào Phúc Trí, Tổng giám đốc cũng mua 1,4 triệu cổ phiếu YEG, nâng lượng sở hữu lên hơn 2,5 triệu đơn vị.
Bên bán của cả 2 giao dịch này đều là cổ đông lớn Hồ Ngọc Tấn - cổ đông có liên quan trong thương vụ mua bán cổ phiếu "chui" của ông Tống với nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết, mức giá mà lãnh đạo Yeah1 mua vào là hơn 65.000 đồng/cp.
Giả sử, bình quân giá xuống lượng cổ phiếu mà ông Tống đã mua trong 2 đợt kể từ khi niêm yết tới nay thì mỗi cổ phiếu YEG vị Chủ tịch này đang nắm giữ có giá là 232.181 đồng/cp, trong khi giá thị trường hiện nay của YEG là 40.000 đồng/cp, thấp hơn gần 83% so với giá trị mà ông Tống đang nắm giữ.
Ngay cả khi tính tại mức giá của đợt mua vào gần nhất là 65.000 đồng/cp thì cổ phiếu YEG cũng đang mất tới gần 38,5% giá trị. Vậy, ông Tống và ông Trí sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá bao nhiêu?liệu có chấp nhận chịu lỗ?
Được biết, đây là giao dịch thoả thuận, giá cổ phiếu sẽ được đưa ra dựa trên nền tảng của doanh nghiệp. Trong khi đó, cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất của Yeah1, năm 2019, công ty ghi nhận 1.444 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 14% so với năm 2018; đồng thời ghi nhận năm đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết với khoản lợi nhuận âm 370 tỷ đồng.
Chưa kể, YEG vốn là cổ phiếu luôn bị giới đầu tư nghi vấn về việc làm giá bởi các giao dịch nội bộ lòng vòng giữa các cổ đông lớn kể trên của doanh nghiệp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, YEG đang nằm trên lộ trình "trở về nơi bắt đầu" 10.000 đồng/cp.
Linh Đan