Vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – MVN) đã tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 488,8 triệu cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ).
Tuy nhiên, chỉ có 2 nhà đầu tư tổ chức và 39 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hơn 5,43 triệu cổ phần, chiếm 1,1% tổng số cổ phần được đưa ra chào bán. Giá đấu thành công bình quân đạt 10.200 đồng/cổ phần, chỉ cao hơn 200 đồng so với giá khởi điểm.
“Vận xui” được báo trước
Vinalines có vốn điều lệ 14.046 tỷ đồng. Nếu đợt IPO thành công, vốn nhà nước sẽ giảm về 65%, nhà đầu tư ngoài sở hữu 34,8% vốn và 0,2% do công nhân viên và tổ chức công đoàn sở hữu.
Việc nhà đầu tư thờ ơ với cổ phần của Vinalines không gây ngạc nhiên trên thị trường. Ngay trước thềm IPO, đơn vị này cũng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần nên phải chuyển hết sang đấu giá ra công chúng.
Giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế cũng đã lường trước được tình cảnh “ế ẩm” này của Vinalines do những tồn tại trong quá khứ về khả năng tài chính, vận hành doanh nghiệp vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Tuy là doanh nghiệp hàng hải hàng đầu Việt Nam, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia, sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết và cảng biển trải dài trên cả nước nhưng Vinalines đã thua lỗ triền miên từ năm 2008 đến nay.
Thậm chí, năm 2015, Vinalines từng đối diện với nguy cơ phá sản với hàng loạt sai phạm được đưa ra ánh sáng.
Sau nhiều nỗ lực tái cơ cấu, cuối năm 2017, Vinalines vẫn ghi nhận mức lỗ lũy kế hơn 3.253 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ năm 2016 với 2.307 tỷ đồng.
Dù chi phí lãi vay trong năm 2017 đã giảm mạnh từ 1.157 tỷ đồng xuống 807 tỷ đồng, đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận của Vinalines, nhưng đây vẫn là một con số chi phí lớn.
Tính ra, trung bình mỗi ngày, Vinalines phải chi 2,24 tỷ đồng chỉ để trả lãi ngân hàng. Điều này khiến các nhà đầu tư không mặn mà với cổ phần của Vinalines bởi khả năng để doanh nghiệp thoát lỗ sẽ khó diễn ra trong thời gian ngắn.
Ngoài những khó khăn vướng mắc về nợ, số phận của hơn 400 triệu cổ phần Vinalines chào bán còn phụ thuộc vào “khẩu vị rủi ro” của các nhà đầu tư, bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hàng hải phụ thuộc rất nhiều vào biến động của thị trường vận tải biển.
Trên thực tế, ngành vận tải biển vừa trải qua một đợt khủng hoảng kéo dài 10 năm, đến nay, chỉ số Baltic Dry Index (Chỉ số thuê tàu hàng khô) vẫn đang “lang thang” ở 1.600-1.700 điểm, trong khi trước đó đạt gần 12.000 điểm.
Sự khắc nghiệt của giá cước thuê tàu, giá tàu, giá cước vận tải biển là điều nhà đầu tư tính toán kỹ lưỡng, chứ không đơn thuần là những con số của Vinalines.
Vinalines không phải doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO khi chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Trước đó, sau một năm cổ phần hóa thành công, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – CTCP mới công bố nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn hàng không ANA Holdings Inc của Nhật Bản.
Hành trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thậm chí còn chưa có kết quả sau gần 3 năm IPO.
Phiên IPO của Vinalines ế gần 99% lượng cổ phần chào bán |
Cổ phiếu có “sáng” hơn cổ phần?
Theo kế hoạch ban đầu, Vinalines sẽ bán 207,9 triệu cổ phần tương đương 14,8% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.
Sau khi hết thời hạn đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược (12/7/2018), Vinalines nhận được 1 bộ hồ sơ của công ty TNHH SK Securities (Hàn Quốc). Tuy nhiên, so với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã được công bố, SK Securities không đủ điều kiện được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của công ty mẹ – Vinalines.
Theo lý giải của Vinalines, dù SK Securities đủ năng lực tài chính, nhưng không cam kết hỗ trợ Vinalines về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực… nên Vinalines đã từ chối đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của SK.
Cần phải nhắc lại là trong một phát ngôn của lãnh đạo doanh nghiệp đã cho biết, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, tình huống không chốt được nhà đầu tư chiến lược đã được Vinalines lường trước. Theo đó, khả năng Vinalines đã chuẩn bị phương án đưa toàn bộ lô cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược ra đấu giá.
Thêm nữa, dù mức giá IPO khởi điểm chỉ ở mức 10.000 đồng/cổ phần, nhưng để hấp thụ toàn bộ số cổ phần chào bán đã tăng gấp đôi so với dự kiến nếu có nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư cần bỏ ra tối thiếu gần 4.900 tỷ đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ, vượt cả thanh khoản của toàn thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Đáng chú ý, hơn ai hết, các lãnh đạo của Vinalines hiểu rõ nhất trong bối cảnh nguồn cung cổ phiếu từ hoạt động IPO, thoái vốn 6 tháng cuối năm thì sức hấp dẫn của cổ phần MVN là không thể so sánh được với những cái tên “sừng sỏ” như BIDV, Petrolimex, Viglacera…
Cũng theo kế hoạch, Vinalines muốn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đối với toàn bộ cổ phần trúng đấu giá đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán. Nếu đúng theo kế hoạch, hơn 5 triệu cổ phần MVN vừa IPO thành công sẽ sớm chào sàn. Tuy nhiên, câu hỏi về tính thanh khoản của cổ phiếu này khi lượng sở hữu của Nhà nước còn gần như tuyệt đối vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong một diễn biến liên quan, về các khoản nợ của Vinalines, đại diện của tổng công ty cho biết, đã được các chủ nợ (chủ yếu là ngân hàng thương mại) bán cho công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Tuy nhiên, vị đại diện này không chỉ rõ cụ thể các khoản nợ từ đâu, bán với giá bao nhiêu.
Được biết, DATC trực thuộc Bộ Tài chính, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, theo đó, Nhà nước chính là đơn vị mua nợ của Vinalines.
Linh Đan