TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đã có những chia sẻ với VnBusiness xung quanh câu chuyện gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, ông Bình cho rằng, cần khơi dậy, giải ngân được các nguồn lực hiện có sẵn như vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, cũng như phải có tính toán nhìn nhận tác động hai chiều của gói kích thích khi triển khai trên thực tế.
Bộ KH&ĐT đang xây dựng gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 cho giai đoạn 2022-2023, hay còn gọi là gói kích thích kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về gói kích kích kinh tế này?
-Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại, một gói kích thích kinh tế được thiết kế có hiệu quả và cần thiết với nền kinh tế Việt Nam là rất quan trọng để đất nước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, về quy mô, chúng ta không nên bị cuốn theo con số của các quốc gia khác như chi 8-15% GDP, bởi tất cả con số chỉ là tham khảo. Quan trọng nhất là xem hiện trạng nền kinh tế Việt Nam, khả năng hấp thụ thêm nguồn vốn của nền kinh tế ra sao, tác động tới kinh tế vĩ mô thế nào, đặc biệt trong dài hạn.
Đồng thời, xem năng lực hấp thụ, khả năng giải ngân của các cơ quan khác nhau trong việc thực hiện gói kích thích. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu.
Chúng ta phải trả lời câu hỏi này trước khi xây dựng gói kích thích kinh tế mới. Gói kích thích phải giải quyết được điểm nghẽn kinh tế hiện nay, chứng minh được hiệu quả khoản tiền bỏ ra.
Tôi ví dụ, gói kích thích có thể được gắn với việc đầu tư thông tuyến toàn bộ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, còn 12 đoạn cần hơn mấy trăm nghìn tỷ mà chưa bố trí được vốn.
Giả định chúng ta sử dụng nguồn vốn từ gói kích thích cấp tập làm 12 tuyến đường này trong 3-4 năm nữa, kể cả phải vay nợ đi nữa nhưng phải đảm bảo hiệu quả. Từ đường cao tốc này tạo ra nguồn thu để giúp hoàn trả khoản vay sau này, như vậy tác động tới nền kinh tế trong trước mắt cũng như trung và dài hạn.
Hoặc là những dự án mang tính chất như đường cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long kết nối hàng hoá với thị trường, các tuyến đường ở khu vực miền núi phía Bắc hay kết nối giữa Cảng Đình Vũ với hệ thống đường sắt... Nếu giải quyết được điều này thì đáng với gói kích thích kinh tế.
Tôi xin nhắc lại, gói kích thích kinh tế vừa phải, vừa mức quản trị với mình thì hiệu quả. Nếu quá lớn vượt quá khả năng quản trị cũng như trả nợ trong tương lai thì nên xem xét lại.
Hiện nay, vẫn chưa có con số cụ thể về quy mô của gói kích thích. Với quan điểm cá nhân, ông cho rằng quy mô của gói khoảng bao nhiêu là phù hợp? Nếu nguồn lực không đủ, có nên vay thêm các tổ chức quốc tế?
-Như tôi đề cập ở trên, cần phải tính đến sử dụng hết nguồn lực, dư địa hiện có, năng lực giải ngân của các cơ quan gắn với công trình, mục đích, mục tiêu cụ thể. Nếu làm được điều này, gói kích thích, theo tôi, chỉ 300 - 400 nghìn tỷ đồng là vừa, chứ không nên đưa ra quy mô của gói kích thích quá lớn buộc chúng ta phải vay nợ quá nhiều. Nếu không tính tới bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực, vay rồi mà không giải ngân được thì vay để làm gì?
Nhiều ý kiến đặt ra giải pháp vay vốn với lãi suất thấp của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB..., nhưng giải ngân vốn ODA trong 9 tháng đầu năm vẫn rất thấp so với năm ngoái, có tiền tiêu chưa hết thì vay làm gì? Chúng ta luôn đặt vấn đề tìm kiếm nguồn lực, nhưng sử dụng không hiệu quả thì không nên.
Về đối tượng, tôi cho rằng chắc chắn không nên có một khoản tiền phát đều cho doanh nghiệp, bởi tác động của đại dịch đối với các ngành là khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải sàng lọc nhóm đối tượng để phát huy đối đa hiệu quả của gói kích thích.
Về cá nhân, tôi cho rằng gói kích thích cần tạo ra không gian kinh tế mới, dư địa phát triển mới. Ví dụ, Nhà nước xây dựng đường cao tốc, sẽ giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh thì tất cả doanh nghiệp sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Điều này có ý nghĩa hơn việc ngân sách chuyển giao khoản tiền cho doanh nghiệp, vì quy định cũng không thực hiện được điều này.
Rõ ràng gói kích thích kinh tế là rất cần thiết, nhưng cũng cần cẩn trọng với những rủi ro đi kèm khi thực hiện như nguy cơ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô?
-Đúng là chúng ta không thể nhìn lợi ích kinh tế mang tính đột biến trong ngắn hạn của gói kích thích mà quên đi tác động trong dài hạn, gây hệ lụy tới nền kinh tế. Điều này chúng ta có đủ bài học từ trước đây và luôn luôn phải cảnh giác.
Chúng ta có bài học mới đây thôi là giai đoạn 2008-2010 chịu một cuộc khủng hoảng nặng nề, do tác động từ bên ngoài. Khi đó, chúng ta có gói cứu trợ lớn so với quy mô kinh tế. Thời điểm đó, một trong những biện pháp thực hiện là cấp bù lãi suất, điều này tạo ra nhiều méo mó cho thị trường tài chính.
Khi đó, gói cấp bù lãi suất đã bơm lượng tiền rất lớn ra thị trường. Năm 2009-2010, lạm phát có thời điểm lên tới 15-18%, dẫn tới doanh nghiệp phải trả lãi suất vay vốn rất cao tới 21-22%, rõ ràng không một doanh nghiệp nào mong muốn.
Như vậy, có thể thấy một số bộ phận doanh nghiệp được hưởng lãi suất cấp bù trong thời gian ngắn nhưng để lại hệ luỵ lớn là rất nhiều doanh nghiệp khác phải vay với lãi suất quá cao. Tác động này còn lan tới vùng nông thôn, bà con nông dân cũng phải vay với lãi suất cao.
Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng tới "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng. Đây là hệ luỵ mà chúng ta đã nhìn thấy. Do vậy, khi xây dựng gói kích thích, chúng ta cần cân nhắc phương án hỗ trợ cần thiết, nếu không chính doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu tác động tiêu cực nếu rủi ro đó xảy ra.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng quan trọng nhất là kiểm soát dịch bệnh - đây là nền tảng phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận chi ngân sách, thâm hụt ngân sách ở mức cho phép.
Trước biến chủng mới Omicron, Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực phòng chống và chữa trị của hệ thống y tế, đồng thời tuyệt đối không nên gây khó cho mình bằng các biện pháp như giãn cách xã hội trên diện rộng, các quy định ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Thúy (thực hiện)