Theo thông tin từ Bộ Công Thương, "tứ bề thọ địch" là cụm từ mà nhiều doanh nghiệp (DN) nhắc đến trong thời gian họ phải đối mặt để cố gắng duy trì sản xuất và an toàn trước dịch COVID-19.
'Mảng màu xám' đang loang rộng
Với các DN ngành dệt may, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 tại các tỉnh phía Nam đã khiến phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế "3 tại chỗ". DN bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.
Nếu chậm quay trở lại sản xuất, doanh nghiệp Việt sẽ để tuột rất nhiều cơ hội (Ảnh minh họa: Int) |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các DN còn duy trì được hoạt động sản xuất cũng gặp khó khăn do phải giảm 50-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống COVID-19, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động.
"DN phải đối mặt với áp lực lớn là nhiều lao động đã chuyển về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh. Chi phí vận tải đường bộ và đường biển quốc tế tăng cao cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng theo đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các DN. Các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng bộ tại các địa phương đang gây khó cho các DN, trong đó có ngành dệt may", Chủ tịch Vitas chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những "mảng màu xám" loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần.
Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung một lượng lớn các lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế địa phương và cả nước.
"Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng...", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lo ngại.
Theo chia sẻ của một chuyên gia, việc phải đóng cửa quá lâu so với nhiều nền kinh tế khác có thể khiến DN Việt Nam mất đi các cơ hội. Đơn cử, các nhà cung cấp của DN Mỹ ở Trung Quốc được hoạt động trở lại sau 7-10 ngày từ khi phát hiện F0 với quy trình khoa học, chặt chẽ. Trong khi đó, theo hướng dẫn của một số địa phương Việt Nam, quy trình quay trở lại hoạt động phải mất từ 2-3 tuần. Thậm chí, một số địa phương phía Nam chưa có quy trình.
Tìm cách duy trì sản xuất
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì sẽ không đủ điều kiện về sức khỏe an toàn để sản xuất. Còn nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường. Như thế không những không có nguồn lực để chống dịch, mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.
Ông Diên nhấn mạnh: "Tổng cầu đang lên, thế giới đang trên đà hồi phục, chúng ta không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau". Hiện, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái "sống chung với dịch" để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Theo đó, "tiến độ tiêm vắc xin cần phải được đẩy nhanh, bởi chúng ta chỉ an toàn khi tất cả được an toàn. Khi tất cả người lao động được tiếp cận vắc xin, được an toàn thì DN ở trong vùng dịch hay ngoài vùng dịch đều có thể yên tâm sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN trên cơ sở thỏa thuận với người lao động để có thể tăng giờ làm một cách hợp lý, tận dụng cơ hội khi tổng cầu thế giới đang lên cũng như bù lại khoảng thời gian mà vì dịch bệnh, DN phải ngừng sản xuất.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thì vấn đề khai thác nguồn vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là vấn đề cấp bách.
Để có thể thực hiện mục tiêu kép thì giải pháp quan trọng là giúp hàng hóa xuất, nhập khẩu không bị ách tắc. Vitas đề xuất bỏ quy định cấp mã QR-Code về “luồng xanh” trên phạm vi cả nước, đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh, bỏ quy định chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông, thay vào đó là cho phép lưu thông hàng hóa như trong điều kiện bình thường nếu đảm bảo phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc những hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này chính là tìm mọi cơ hội để có thể nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh, luồng xanh mở cửa thị trường, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho DN có thể duy trì được sản xuất kinh doanh.
Lê Thúy