Xu hướng “Trung Quốc+1” mang lại dòng vốn FDI lớn với các cam kết đầu tư vào R&D và sản xuất công nghệ cao từ các tập đoàn hàng đầu như Nvidia, Google, Samsung, Intel... giúp Việt Nam nói chung và ngành điện tử nói riêng nâng tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ cũng đang hiện hữu. Thặng dư thương mại cao với Hoa Kỳ có thể trở thành điểm nóng dưới thời Trump 2.0, khi áp lực cân bằng thương mại dẫn đến nguy cơ áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu.
Vnbusiness đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam để bàn về những chủ đề nóng hổi này.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam. |
2 kịch bản của ngành điện tử
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, Hoa Kỳ là một thị trường xuất khẩu lớn, là đích đến lớn của điện tử Việt Nam. Trong năm 2023 cũng như 11 tháng của năm 2024, thị trường xuất khẩu điện tử lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ. Phải nói rằng, đến thời điểm này, thặng dư thương mại của Việt Nam - Hoa Kỳ khá cao.
Thưa bà, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố tăng áp thuế với hàng nhập khẩu. Điều này sẽ tác động như thế nào đến ngành điện tử Việt Nam, và các doanh nghiệp có nên chuẩn bị trước cho kịch bản không tích cực?
Đầu tiên, phải khẳng định việc áp mức thuế cao với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ là chính sách đã có từ thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, chính sách này có thể sẽ được làm sâu sắc thêm trong thời kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Thặng dư thương mại của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ khá lớn, tức là chúng ta xuất siêu sang Hoa Kỳ. Tôi cho rằng, đối với điện tử Việt Nam, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng cạnh tranh, vị thế của hàng điện tử Việt Nam tại một thị trường khá khó tính và rộng mở.
Tuy nhiên, như các nhà kinh tế cũng đang khuyến cáo, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét, mong muốn cân đối lại cán cân thương mại. Chúng ta sẽ phải tăng nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ. Nếu để kéo dài tình trạng xuất siêu, đặc biệt là sản phẩm điện tử thì chúng ta có thể bị áp một số chính sách làm hạn chế năng lực xuất khẩu.
Do đó, tôi nghĩ sẽ có 2 kịch bản. Một là kịch bản là tích cực, thể hiện năng lực của ngành điện tử ở việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Hai là kịch bản không tích cực, rằng khả năng cao các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị ứng phó trong trường hợp chính quyền Hoa Kỳ đưa ra một số rào cản thuế quan hoặc phi thuế quan.
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cũng dự đoán chiến lược “Trung Quốc+1” và xu hướng “đa dạng hoá” sẽ mạnh mẽ hơn dưới thời Trump 2.0 và mang lại cơ hội cho Việt Nam, thưa bà?
Chiến lược "Trung Quốc+1" là sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác, hoặc mở rộng ra ngoài Trung Quốc. Đây là một làn sóng đã xuất hiện từ trước khi có các biện pháp cấm vận và hạn chế thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo xu hướng dòng chảy công nghệ từ những nước có công nghệ cao sang các nước có công nghệ thấp hơn nhưng lợi thế về nguồn nhân lực, tài nguyên, giá cả rẻ. Và Việt Nam là một địa điểm như vậy.
Tuy nhiên việc này được làm sâu sắc hơn trong thời kỳ chiến tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi mà các ông lớn công nghệ thấy rằng đầu tư vào Trung Quốc có quá nhiều rủi ro. Việt Nam là một trong những điểm đến để họ chuyển dịch đầu tư. Chúng ta thấy ngày càng nhiều ông lớn công nghệ, đặc biệt là những “tay chơi” lớn nhất trong lĩnh vực điện tử, đã thiết lập và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Từ các ông lớn Hàn Quốc như Samsung, LG, SK rồi đến các ông lớn trong chuỗi cung ứng Hoa Kỳ như Apple, Intel… đã và đang có đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Đáng chú ý, dòng chảy này mang hàm lượng công nghệ ngày càng cao. Chúng ta có thể thấy, việc đầu tư, mở rộng của các ông lớn công nghệ đang có xu hướng tập trung vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ cao. Ví dụ như Samsung đã đầu tư xây dựng tại Việt Nam trung tâm R&D lớn nhất của họ trong khu vực Đông Nam Á, Amkor cũng tăng đầu tư vào nhà máy bán dẫn, Intel có những cam kết đầu tư và mở rộng, LG cũng tăng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất màn hình OLED.
Điều này là một xu hướng trong chiến lược "Trung Quốc + 1", đồng thời thể hiện việc thu hút FDI một cách chọn lọc, có hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Dòng chảy công nghệ này sẽ đem đến cho doanh nghiệp Việt khá nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các ông lớn, nâng tầm vị thế của ngành điện tử Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng có lẽ đi kèm với đó, cũng có những khó khăn, vướng mắc phải không thưa bà?
Đúng vậy! Hầu hết doanh nghiệp điện tử Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô vốn, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực khá hạn chế. Trong khi đó, dòng chảy công nghệ từ các quốc gia phát triển và đặc biệt là từ Trung Quốc, mang theo khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quy mô vừa và nhỏ chuyển dịch vào Việt Nam, tham gia vào chuỗi cung ứng. Họ có quy mô xấp xỉ các doanh nghiệp của chúng ta nhưng lại nhỉnh hơn về năng lực tài chính, năng lực công nghệ. Chỉ nhỉnh hơn một chút thôi nhưng khiến doanh nghiệp Việt phải đối mặt với sự cạnh tranh ngay trên đất nước mình.
Một tín hiệu vui là trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn ban hành gần đây Chính phủ đã đưa ra một công thức rất thú vị: C=SET+1. Có nghĩa là chip bán dẫn (C) sẽ bao gồm chip chuyên dụng (S), điện tử (E) và thu hút nguồn nhân tài, nhân lực (T). "+ 1" là Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chiến lược phát triển bán dẫn mang lại lợi thế cho ngành công nghiệp điện tử và lấy ngành công nghiệp điện tử làm trọng tâm, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Như vậy, có thể thấy những thiếu hụt của doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực, nhân tài và công nghệ thì đã được mục tiêu trong chiến lược phát triển bán dẫn đề cập, khắc phục.
Có chăng, chúng tôi mong muốn bổ sung thêm việc khơi thông dòng tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận và mở rộng sản xuất một cách thuận lợi hơn. Như vậy chúng ta sẽ có thể khắc phục 3 điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt, giúp doanh nghiệp bứt phá, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Tràn đầy hy vọng" từ cái bắt tay với Nvidia
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam và Nvidia - một trong những công ty hàng đầu thế giới, đã ký kết hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Ở góc độ của ngành điện tử Việt Nam, đây là một tin rất vui.
Việc hợp tác với Nvidia cho thấy điều gì thưa bà?
Đầu tư của Nvidia cho thấy chiến lược phát triển bán dẫn của chúng ta rất đúng đắn trong việc tập trung phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta có xuất phát điểm rất thấp, gần như là chưa có gì. Việc chúng ta hợp tác với một ông lớn công nghệ, nhận hỗ trợ trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển là một bước đi rất chuẩn. Đây là bước đi tắt đón đầu, "đứng trên vai người khổng lồ" để có thể thực hiện chiến lược.
Cần nhấn mạnh một lần nữa là chiến lược bán dẫn đã đặt công nghiệp điện tử làm trọng tâm. Đầu ra của bán dẫn chính là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử. Đây hoàn toàn là một bước đi chính xác. Hiện giờ nguồn nhân lực của chúng ta còn thiếu và yếu. Việc chúng ta dựa vào các ông lớn công nghệ trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các trung tâm R&D, là một bước đi rất đáng hoan nghênh. Cộng đồng doanh nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn rất phấn khởi khi nghe thông tin này và chúng tôi cũng tràn đầy hy vọng.
- Có phải Việt Nam vẫn đang thiếu những doanh nghiệp sếu đầu đàn trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp hỗ trợ không thưa bà?
Đúng là như thế. Cộng đồng doanh nghiệp điện tử đang thiếu một doanh nghiệp đầu đàn. Trong các cuộc hội thảo, chúng tôi đã bàn bạc, định nghĩa một doanh nghiệp dân tộc hay doanh nghiệp dẫn dắt là doanh nghiệp có sức ảnh hưởng, có quy mô đủ lớn, có công nghệ và sản xuất mang tính dẫn dắt, có thể tạo một chuỗi cung ứng nội địa, hệ sinh thái nội địa. Hiện giờ chúng ta còn đang thiếu.
Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn công nghệ thật lớn và mang tính dẫn dắt, tạo được hệ sinh thái. Đó là điều chúng tôi thực sự kỳ vọng.
Xin bà cho biết triển vọng đơn hàng sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp cuối năm 2024 và sang năm 2025?
Những tháng cuối năm 2024, khá nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng đang cần phải tăng tốc hoàn thiện. Một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng tiếp theo của năm mới. Đây là một dấu hiệu khả quan, cho thấy nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, cũng như thể hiện doanh nghiệp Việt dần dần có một vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi mà các đơn hàng về nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải là không khó khăn. Bên cạnh một số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chịu khó đầu tư công nghệ, nhân lực, nắm bắt được những đơn hàng mới thì khá nhiều doanh nghiệp không kịp đầu tư hoặc năng lực về vốn và công nghệ quá thấp, không cải tiến nên bị mất đơn hàng.
Số lượng doanh nghiệp có đơn hàng và mất đơn hàng tương đương nhau, nên cũng khó để kết luận là ngành hoàn toàn khởi sắc. Đây là quy luật tất yếu của một ngành công nghiệp khắc nghiệt, nơi mà đầu tư vốn và công nghệ khá lớn nhưng độ rủi ro lại cao, chu kỳ sống của sản phẩm thì ngắn, tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh.
Chiến lược của Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn nói riêng, công nghiệp điện tử nói chung, cũng như toàn ngành công nghiệp là tập trung vào đổi mới sáng tạo như một yếu tố cốt lõi. Đây cũng là nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính mới phát biểu khi đón đối tác lớn nhất về công nghệ bán dẫn là Nvidia. Chúng tôi hết sức ủng hộ. Rõ ràng doanh nghiệp Việt cần đổi mới sáng tạo, cũng như cần có sự đổi mới từ phía Chính phủ trong việc thực hiện chiến lược này.
Trân trọng cảm ơn bà!
Đỗ Kiều (thực hiện)