Dù không tiết lộ rõ về quy mô của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, tuy nhiên như VnBusiness thông tin: Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã chia sẻ khái quát về chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, với 5 nhóm chính sách hỗ trợ: Chính về phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả của công tác y tế; giải pháp an sinh; hỗ trợ doanh nghiệp (DN); đầu tư công; quản lý điều hành.
Băn khoăn về chuyện thực thi
Trong đó về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Phương cho biết sẽ tập trung chủ yếu về giải pháp tài khóa như xem xét và kéo dài thời gian giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ như cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất...
Hỗ trợ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là doanh nghiệp phải chủ động, phải có thị trường. |
Các giải pháp hỗ trợ trực tiếp về dòng tiền cho DN sẽ có ý nghĩa rất lớn khi mà phần lớn DN đang trong tình trạng khó khăn. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay xấp xỉ 94% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% DN tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước, 96% DN gặp các vấn đề liên quan tới tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, đánh giá quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, các DN mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định và có thời hạn phù hợp.
Đặc biệt, các DN mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các DN xây dựng phương án phục hồi của mình.
Lên sẵn phương án phục hồi, song ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, cho hay ngành du lịch không thể phục hồi trở lại nếu hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước vẫn còn gián đoạn, thu nhập người dân bị suy giảm.
"Chúng tôi đang trông chờ gói kích thích kinh tế sớm được kích hoạt trong thời gian tới, từ đó sẽ giúp hoạt động kinh tế trở lại bình thường, người dân có nhu cầu đi lại, đi nghỉ dưỡng...", ông Hoan nói với VnBusiness.
Khi kinh tế phát triển, nhu cầu giao thương, du lịch gia tăng, các ngành nghề kinh tế khác tăng tốc thì dịch vụ du lịch mới phát triển. Đồng thời, chỉ khi nào thu nhập người dân cải thiện, mức sống tăng cao thì nhu cầu du lịch mới tăng cao. Vì vậy, ông Hoan kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần phải tính tới thời điểm phục hồi, tránh tình cảnh dịch bệnh chưa kết thúc mà gói hỗ trợ đã dừng.
Theo phản ánh của các DN, việc "tung" ra gói hỗ trợ lớn trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết song họ vẫn băn khoăn về quá trình thực thi. Nhiều DN cho biết họ vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ các gói trước, phản ánh thủ tục còn nhiêu khê, khó tiếp cận.
'Một xu hay một đồng' cũng quý
Trả lời câu hỏi sẽ thực hiện hỗ trợ cho DN những gì trong thời gian tới? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh tới tính hiệu quả. Theo đó, về cơ chế chính sách, sẽ quan tâm tới việc sửa đổi các Luật đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, liên quan tới thủ tục hành chính thì trọng tâm là giảm chi phí tuân thủ cho DN.
Về nguồn lực, Chính phủ sẽ ban hành các gói hỗ trợ để DN được tiếp cận với giá thấp - hợp lý, các nguồn lực đang triển khai thực hiện như gói hỗ trợ về tín dụng thông qua cơ chế cho vay với lãi suất thấp; giãn, hoãn, kéo dài, điều chỉnh thời gian trả nợ...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý, chính sách hỗ trợ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là DN phải chủ động tìm kiếm thị trường, sản xuất ra phải bán được hàng thì mới có dòng tiền. Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới sẽ là cơ hội để DN tham gia sâu hơn vào thị trường trên thế giới. Điều này sẽ phụ thuộc vào sự chủ động của DN.
Để quá trình phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn thì Việt Nam cần phải có nhiều DN lớn mạnh, cạnh tranh tốt. "Việt Nam cần phát triển lực lượng DN lớn, có quy mô, trình độ, công nghệ", ông Phương nói.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng có 4 yếu tố ảnh hưởng tới câu chuyện phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022: Kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đà phục hồi kinh tế thế giới, gói hỗ trợ và xu thế phát triển mới của thế giới.
Trong đó về gói hỗ trợ, ông Thành cho rằng các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức, đối tượng, trao quyền... Sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng. Tuy nhiên rủi ro cũng là chưa có tiền lệ. Do đó, có nhiều điều chưa phù hợp ngay trong thiết kế và thực thi chính sách như những gói hỗ trợ ban đầu có quy mô quá nhỏ và thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân và DN còn hạn chế.
Cho rằng việc ban hành gói hỗ trợ mới là cần thiết, song ông Thành lưu ý là làm sao vừa quản trị được rủi ro từ các chính sách hỗ trợ mới ban hành, đồng thời vừa thực hiện đúng - trúng đối tượng.
Ông nhấn mạnh: Nhiều đánh giá cho rằng nếu thực thi tốt chương trình hỗ trợ này, tăng trưởng kinh tế có thể tăng thêm 1-1,5 điểm phần trăm, thậm chí cao hơn.
Có thể thấy trong bối cảnh khó khăn hiện nay, rõ ràng các chính sách hỗ trợ nếu được ban hành cần phải nhanh chóng được triển khai. Bởi, với DN, "một xu hay một đồng" được hỗ trợ lúc này cũng quý.
Ông Phan Đức Hiếu Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Các chính sách hỗ trợ người dân và DN trong phục hồi và phát triển kinh tế phải giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính không hợp lý và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong thực hiện - không để thủ tục trở thành rào cản, tạo sự không công bằng trong tiếp cận. Không làm được việc này một lần nữa thiết kế chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì không đến được người dân, DN. Ông Phạm Văn Việt Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM DN quy mô lớn đã tiếp cận được các gói hỗ trợ về thuế, giảm lãi suất... song nhiều DN nhỏ vẫn đang loay hoay. Trên thực tế, các hỗ trợ cần rút ngắn thủ tục, hồ sơ để DN dễ dàng tiếp cận hơn, vì trong bối cảnh khó khăn việc hỗ trợ về dòng tiền cho DN là rất cần thiết nhất là vay vốn để tái sản xuất kinh doanh, trả lương cho công nhân, đảm bảo đời sống cho người lao động. DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn cần Chính phủ hỗ trợ thêm về cơ chế để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa. PGS.TS. Võ Đại Lược Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới Vừa qua, Chính phủ đã có những giải pháp rất tích cực về y tế để kiểm soát dịch bệnh, về giao thông vận tải để bảo đảm người và hàng hóa được lưu thông thuận tiện, giảm lãi suất hỗ trợ DN... Tuy nhiên theo ý kiến của DN, gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ còn ít so với một số quốc gia, thủ tục phân bổ gói hỗ trợ này còn phức tạp, nên khó giải ngân cho các DN. Đây là điểm cần lưu ý khi xây dựng các chính sách hỗ trợ tiếp theo. |
Nhật Linh