Chiều ngày 23/3, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ thông tin về một số vấn đề của ngành trong năm 2021, trong đó đề cập tới việc xây dựng đề án phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.
Tập trung vào 5 nhóm giải pháp
Theo Thứ trưởng Phương, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trên, sau khi được thông qua sẽ triển khai các bước tiếp theo, như trình Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. |
Về điểm đặc biệt của gói kích thích kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách hỗ trợ chính.
Nhóm một là phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả của công tác y tế, trong đó đề cập tới việc cung ứng vắc xin, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị... Đồng thời, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nâng cao năng lực về phát hiện dịch, phát hiện người bị nhiễm bệnh...
"Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí, đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các gói giải pháp khác", ông Phương đánh giá.
Nhóm hai là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Đối tượng nhóm giải pháp trên được nghiên cứu, mở rộng thêm như công nhân trong các khu công nghiệp, các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân...
Nhóm ba là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ, cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi.
Nhóm bốn là đẩy mạnh đầu tư công. Nhóm này vừa có ý nghĩa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời vừa tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả lâu dài cho nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đây là nhóm giải pháp sẽ rất khó thực hiện, bởi kế hoạch đầu tư công có sẵn còn không làm hết thì đưa thêm tiền có làm được không? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Nhóm cuối cùng là giải pháp về quản lý điều hành - không hề tốn tiền mà bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro.
"Đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư. Muốn kích đầu tư ngoài nhà nước thì phải cải cách thủ tục hành chính". Thứ trưởng Phương cho hay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế... thì việc đẩy mạnh phát triển thị trường cho doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp có vốn mà không có đầu ra thì cũng không phát huy được hết các biện pháp hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương
Trả lời về dự báo bao giờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mới quay trở lại? Ông Phương cho biết theo kịch bản của Bộ KH&ĐT, nếu chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được thực hiện và triển khai nhanh chóng thì Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng cao hơn trong năm 2023.
"Tăng trưởng kinh tế năm 2023, 2024, 2025 phải đạt trên 7% thì mới đạt được mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Về khó khăn trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Quốc Phương nhìn nhận việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức không hề nhỏ cho công tác điều hành. Lạm phát thế giới tăng lên, Việt Nam là nền kinh tế mở thì khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Cụ thể, lý do lạm phát chi phí đẩy là nguồn cung đầu vào tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì giá một số mặt hàng, giỏ hàng hoá, dịch vụ tăng lên. Bên cạnh đó, lạm phát do cầu kéo, năng lực sản xuất của doanh nghiệp thấp đi, sản phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu người dân không đủ, người dân trả nhiều tiền để mua một mặt hàng thiết yếu, điều này vô hình thiết lập mặt bằng giá mới.
"Về động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ vẫn là 3 trọng tâm kích hoạt tăng trưởng. Nếu dịch vụ chưa quay trở lại thì nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Du dịch đóng băng thì khách sạn, nhà hàng chưa thể quay trở lại", ông Phương nói.
Lê Thúy