TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. |
TS.Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã chia sẻ với VnBusiness về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay, cũng như những nhận định, đánh giá về những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Những số liệu về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra như thế nào sau đại dịch COVID-19, thưa ông?
-Những chỉ số phát triển trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tôi ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế quý II đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%) - đây được xem là "bệ đỡ" của lạm phát năm nay. Cơ bản rổ hàng hóa chủ yếu là hàng lương thực, thực phẩm - chiếm gần 28% quyền số chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thời gian qua, ngành nông nghiệp cung ứng đủ nguồn hàng, giá cả ổn định, vì vậy bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 14,03 tỷ USD. Số dự án, số vốn đăng ký giảm nhưng vốn giải ngân đạt trên 10 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 5 năm qua.
Điều này phản ánh nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời càng củng cố và khẳng định hơn vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sản xuất...
Cùng với đó, các chỉ số về bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thành lập mới... cũng đạt được những con số ấn tượng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tuy nhiên một trong những mối lo lớn nhất trong năm 2022 là áp lực lạm phát. Có ý kiến cho rằng muốn kiềm chế lạm phát thì phải hạ giá xăng dầu?
-Đúng vậy, giá xăng dầu cứ tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,36%. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá sản xuất, lưu thông.
Bằng chứng cho thấy chỉ số giá nhóm giao thông tháng 6/2022 tăng 3,62% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm, chủ yếu do các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 1/6, 13/6 và 21/6 làm cho giá xăng tăng 8,23%, giá dầu diesel tăng 8,5%...
Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu tăng 51,83%, làm CPI tăng 1,87% trong tổng mức tăng 2,44%. Xăng dầu là yếu tố gây áp lực lạm phá rất lớn.
Nếu giá xăng dầu không được kiểm soát mà vẫn cứ "leo thang" như vậy, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực chi phí sản xuất rất lớn, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng phải tăng. Nhiều doanh nghiệp có thể không còn đủ sức, đủ lực để duy trì sản xuất.
Số liệu thống kê mà Bộ NN&PTNT đưa ra mới đây cho thấy một thực trạng đau xót, tác động rõ rệt nhất là 55% tàu cá đã phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng mạnh. Vì vậy, việc kiểm soát giá xăng dầu trong thời gian tới là một trong những giải pháp cần được nhanh chóng thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy chỉ số lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu 4%, đây có là con số chấp nhận được không, thưa ông?
-Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều rất khó khăn như dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, chiến sự Nga - Ukraine, lệnh cấm vận giữa các nền kinh tế lớn... khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả leo thang..., tôi cho rằng việc Việt Nam kiểm soát được lạm phát trên 4% là thành công.
Chúng ta đều biết, với tình hình này, các nước muốn tăng trưởng cao đều phải trả giá lạm phát rất cao, năm ngoái Mỹ tăng trưởng kinh tế 5,7%, lạm phát tăng cao trên 7%. Đến tháng 5/2022 - lạm phát của Mỹ tăng 8,6%, cao nhất 40 năm qua; hay các nước châu Âu cũng vậy. Do đó, nếu lạm phát của Việt Nam trong năm nay vượt quá 4% mà tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả tốt thì cũng là thành công.
Muốn tăng trưởng cao thì phải đẩy mạnh cung tiền, sản xuất, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhiên liệu thế giới tăng mạnh thì dứt khoát lạm phát phải tăng.
Thậm chí, tôi cho rằng tăng trưởng đạt được 6% mà lạm phát trên 4% vẫn là thành công. Tôi dự báo lạm phát năm nay của Việt Nam dao động trong khoảng từ 4-4,5%, nếu phí dịch vụ giáo dục, y tế điều chỉnh thì khó giữ được lạm phát dưới 4%.
Vấn đề quan trọng nhất là làm sao đảm bảo người dân, doanh nghiệp ít bị tác động nhất từ giá cả hàng hóa leo thang, vì ngay cả khi lạm phát khá thấp trong những tháng đầu năm nay nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng trên thực tế đã tăng mạnh?
-Tôi cho rằng những vấn đề này có thể được giải quyết nhanh chóng thông qua việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân gói an sinh trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế. Điều này sẽ hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, cũng như tác động bất lợi từ giá xăng dầu...
Trong bối cảnh chờ chính sách giảm thuế được thông qua, việc triển khai hỗ trợ an sinh sẽ giúp chi tiêu của hộ gia đình, nền kinh tế giảm bớt áp lực.
Bên cạnh đó, những loại phí như phí đường bộ, hạ tầng cảng biển... có thể thực hiện miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất sau đại dịch COVID-19. Đây là những giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện ngay, không mất quá nhiều thời gian.
Xin cảm ơn ông!
Lê Thúy thực hiện