Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Điều này cho thấy, phát triển kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng.
Nhiều động lực hỗ trợ tăng trưởng
Con số đáng chú ý phải kể tới trong 6 tháng đầu năm 2022 là cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng cả nước có 19,5 nghìn DN gia nhập thị trường, số rút lui khỏi thị trường là 13,9 nghìn DN. Sau khi trừ hai con số trên, cả nước còn 5,6 nghìn DN tăng thêm mỗi tháng.
"Theo quan sát của tôi, đây là mức rất cao trong nhiều năm qua. Bình quân mỗi tháng các năm trước đây chỉ 3 nghìn DN tăng thêm", bà Hương chia sẻ. Đồng thời khẳng định, điều này thể hiện sự thanh lọc của thị trường cũng như sự linh hoạt của DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
![]() |
Việc kiểm soát lạm phát dưới 4% đang trở thành thách thức lớn trong năm 2022. |
Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong quý II/2022 có tới 78,4% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022; 21,6% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2022, có 85,0% số DN đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên so với quý II/2022; 15,0% số DN dự báo khó khăn hơn.
Về kết quả tăng trưởng GDP, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, đánh giá sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, GDP quý II tăng trưởng 7,4%, cao nhất trong hơn 10 năm qua, nhờ vào động lực tăng trưởng của một số ngành dịch vụ; ngành công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được mức cao; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng, số lượng DN thành lập mới cao...
Theo đó, ông Hiếu dự báo Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, căn cứ vào việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, mở cửa nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh. Đây là bước đệm phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm. Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm tăng trưởng cao, đặc biệt kinh tế quý III.
Ông Hiếu đánh giá: Theo mục tiêu của Nghị quyết 01 là tăng trưởng GDP 2022 đạt từ 6-6,5%. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là 6,42%, thì cả năm GDP có thể tăng trưởng trên 6,5%. Trong đó, GDP quý III được kỳ vọng sẽ tăng trưởng rất cao.
Thời gian qua, trước ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc, các tổ chức tài chính quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với Việt Nam, một số tổ chức đã nâng mức dự báo về tăng trưởng.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa dự báo mới là tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9%, từ mức dự báo vào hồi đầu năm là 4,1%. Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB cũng dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà WB đã rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra những khó khăn cản đà tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm như giá nguyên vật liệu, xăng dầu, logistics tăng mạnh... Trong 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại dù xuất siêu 710 triệu USD nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 5,9 tỷ USD...
Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách "Zero COVID" tiếp tục được xem là "gọng kìm" siết chặt nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.
Theo đó, ông Hiếu kiến nghị những giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng cần được triển khai trong thời gian tới là đẩy mạnh giải ngân gói đầu tư công, gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng...
Khó kiểm soát lạm phát dưới 4%?
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là khá tích cực, song một trong những mối lo lớn nhất trong năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Bởi, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, cho biết độ trễ lạm phát vào quý III, quý IV, cũng như năm 2023 là rất lớn. Một số yếu tố tác động vào CPI như giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng cao mà Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới nên tác động tới chi phí sản xuất của DN, giá thành sản phẩm đầu ra, từ đó đẩy CPI tăng cao, tạo áp lực lên nền kinh tế.
Đồng thời, việc giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ tác động mạnh tới giá xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động vào CPI 0,36 điểm phần trăm.
Việt Nam có thể chủ động cung ứng lương thực trong nước nhưng khó tránh khỏi tác động bởi khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhất là khi nhóm lương thực thực phẩm chiếm 28% trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam. Dự báo nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại, tạo áp lực lên CPI.
Do vậy, lãnh đạo Vụ Thống kê giá cho rằng, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức lớn. Để kiềm chế lạm phát, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, nghiên cứu giảm thuế chia sẻ khó khăn cho người dân. Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, tăng cường kiểm soát khâu trung gian; việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần xem xét về tác động, thời gian phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Nói cụ thể hơn về giá xăng dầu, bà Oanh cho rằng, tỷ trọng thuế trong cơ cấu giá thành là 23-24%, nhiều nước ở mức 45-60%, ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nên thuế thấp. Trước áp lực của giá xăng dầu, nhiều nước cũng nghiên cứu giảm thuế như Mỹ, Ba Lan... giảm thuế giá trị gia tăng; Úc, Thái Lan và Hà Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt; Việt Nam đã giảm thuế bảo vệ môi trường, tuy nhiên giá xăng dầu Việt Nam vẫn tăng cao nên cần giải pháp kịp thời, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của DN.
Bà Oanh kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu sớm giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu xuống mức sàn, nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu... Tất nhiên, điều chỉnh thuế là giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong thời gian ngắn hạn, do vậy Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án ứng phó lâu dài, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản kiểm soát lạm phát trong năm nay và thấy rằng việc kiểm soát dưới 4% là khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là con số tăng trưởng kinh tế hay chỉ số giá tiêu dùng chỉ là công cụ để đánh giá, đưa ra quyết định điều hành chính sách, điều quan trọng nhất là trong bối cảnh khó khăn này làm sao đảm bảo đời sống ổn định cho người dân, hoạt động cho DN.
Ông Lê Duy Hiệp Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Việc tăng giá xăng dầu đang ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến năng lực của DN logistics. Chúng tôi không thể ngay lập tức tăng giá đối với khách hàng do chủ yếu ký hợp đồng lâu dài. Giá xăng dầu ăn vào lợi nhuận, thậm chí vốn sản xuất, kinh doanh. Có thể chỉ hết quý III, tích luỹ và tính chịu đựng của DN sẽ tới hạn, bởi đa phần các DN có quy mô nhỏ. Do vậy, Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng có giải pháp để hỗ trợ "hạ nhiệt" giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung ứng ổn định.
TS. Nguyễn Đình Cung Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Muốn kiềm chế lạm phát thì không thể để giá xăng dầu tăng nhanh và cao như hiện nay. Giá xăng dầu tăng cao làm đội chi phí sản xuất, kinh doanh dẫn tới DN thua lỗ. DN ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất sẽ kéo theo tình trạng mất, giảm việc làm và thu nhập của hàng trăm nghìn lao động giảm theo. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy nhanh giảm, miễn thuế để giảm giá xăng dầu đang rất cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. |
Lê Thúy