Trong tình hình “bão giá” chi phí như hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều ở tỉnh Bình Phước), cho biết công ty đang cầm cự để có được doanh thu và không nghĩ tới lợi nhuận vào thời điểm này.
Sức chịu đựng có hạn
Theo ông Đạt, trong nửa đầu năm 2022 này, từ khi giá xăng tăng dần lên mức kỷ lục thì chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã tăng hơn 20%, nhưng giá sản phẩm bán ra thị trường vẫn chưa điều chỉnh, cố gắng bình ổn giá để giữ cho được sức mua.
Bên cạnh nhiều DN phải điều chỉnh giá bán sản phẩm giữa “bão giá”, vẫn có những DN phối hợp với hệ thống siêu thị kìm giữ giá bán để giữ sức mua. |
Trao đổi với VnBusiness, vị giám đốc của Vinahe cho rằng sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) cũng có hạn. Nếu một, hai tháng tới mà giá cả nguyên vật liệu đầu vào còn leo thang, chi phí vận chuyển (đang chiếm 20 - 30% chi phí cùa DN) vẫn giữ ở mức cao thì bắt buộc công ty điều chỉnh giá bán sản phẩm.
“Tôi được biết thời gian qua có nhiều DN phải điều chỉnh giá bán sản phẩm khi giá xăng dầu tăng cao. Còn DN của tôi khi phối hợp với hệ thống siêu thị để tăng giá sản phẩm lại không dễ chút nào. Điều mong muốn là giá xăng tăng cao kỷ lục như hiện tại cần được điều chỉnh để hạ nhiệt, các loại chi phí khác cũng giảm theo để các DN dễ thở hơn. Còn như hiện giờ là quá bí bách”, ông Đạt chia sẻ.
Có thể thấy những khó khăn về mặt chi phí từ phía công ty của ông Đạt cũng là khó khăn chung của nhiều DN giữa lúc “bão giá” như hiện tại.
Chẳng hạn như trong mảng vận chuyển. Theo phản ánh mới đây từ Hiệp hội vận tải tỉnh Bình Dương, qua tiếp nhận ý kiến của các DN thành viên, giá dầu diesel thời điểm đầu năm 2022 là 18.900 đồng/lít, đến tháng 6/2022 đã lên 29.020 đồng/lít, tức tăng 65%. Tương tự, khí CNG cũng tăng kể từ khi phục hồi hoạt động xe buýt và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điều này khiến cho các DN vận tải hành khách công cộng gặp nhiều khó khăn, phải bù lỗ khi xe vắng khách. Chính vì vậy, mới đây, Hiệp hội này có kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Dương đề nghị gỡ khó cho các DN, có thể xem xét hỗ trợ theo tỷ lệ giảm dần đối với chi phí nhiên liệu gồm dầu diesel và khí CNG để phục hồi hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh.
Hoặc như ở mảng đánh bắt hải sản. Do giá xăng dầu tăng cao kỷ lục như hiện tại khiến cho khoảng 40-55% trong tổng số 91.716 tàu cá của cả nước đang phải nằm bờ.
Bởi lẽ, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S (nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản) đã tăng 65% (ngày 25/12/2021 chỉ 17.579 đồng/lít nhưng đến hạ tuần tháng 6/2022 đã là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít).
Thận trọng với rủi ro lạm phát
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác hải sản. Do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%, trong lúc giá bán hải sản lại tăng không đáng kể.
Theo nhận định của Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT), tình hình giá cả trong những tháng cuối năm 2022 sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát khi các DN bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác.
Ngay như giá phân bón trong nước dù mới đây có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ nay đến cuối năm 2022 được cho là sẽ không giảm sâu bởi giá dầu thế giới được dự báo vẫn duy trì ở mức cao.
Hay như giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 1/7/2022 sẽ tiếp tục tăng thêm 300-400 đồng/kg. Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 và là lần thứ 17 kể từ năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng.
Còn theo đánh giá mới nhất của Tổng cục Thống kê vào ngày 29/6 có dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước. Cho nên rất cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.
Những phản ánh gần đây ở Tp.HCM cũng cho thấy, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh. Trước sức ép giá xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận chuyển… liên tục tăng cao, nhiều DN lớn trong mảng thực phẩm và đồ uống (F&B) vừa thông báo tăng giá bán sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, để duy trì doanh thu, nhiều DN trong mảng F&B cố gắng kìm giữ giá bán vì họ sợ tăng giá sẽ làm khách hàng quay lưng. Thế nhưng, đây là cả bài toán cân não khi phải chật vật với việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, giá vận chuyển hàng hóa thực phẩm ở mức cao, chi phí cho nhân công cũng tăng…
Giữa nhiều bí bách như hiện tại, Ts. Bùi Duy Tùng cho rằng thời điểm này, các DN cần xem xét tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát, sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào khác để thay thế cho các loại đang sử dụng. Khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả các mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, DN có thể sử dụng những sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.
Thế Vinh