Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Tuy nhiên, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, nhiều phóng viên đặt câu hỏi hoài nghi về con số lạm phát mà Tổng cục Thống kê đưa ra, nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng được điều chỉnh tăng mạnh, lạm phát nhiều nước trên thế giới như Mỹ, EU cao kỷ lục.
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho biết phương pháp tính chỉ số CPI áp dụng từ năm 1995, đúng hướng dẫn của tổ chức quốc tế và phương pháp này cũng được hầu hết quốc gia trên thế giới ứng dụng.
Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới |
Đặc biệt, chỉ số CPI phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường, đảm bảo so sánh về số liệu. Hàng tháng, 63 địa phương thu thập giá các mặt hàng để gửi về Tổng cục, đồng thời triển khai thêm 40.000 điểm điều tra giá thuộc các lĩnh vực kinh tế, dùng thiết bị điện tử điều tra nhằm rút ngắn thời gian sản xuất số liệu, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
"Vì vậy, số liệu thống kê CPI hoàn toàn yêu tâm vì tính thông tin khách quan, độc lập", bà Oanh nhấn mạnh, CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang chịu áp lực lạm phát. Trong tháng 5/2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6%, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay; lạm phát EU tăng 8,1% gấp 4 lần mục tiêu đề ra là 2%...
Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%, Hàn Quốc tăng 4,3%, Indonesia tăng 2,8%, Malaysia tăng 2,4%, Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.
Nói thêm về điều này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định phương pháp tính giá CPI của Việt Nam theo đúng chuẩn quốc tế, hàng năm chuyên gia của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều rà soát phương pháp tính, giỏ hàng CPI của Việt Nam... từ đó, họ sử dụng số liệu này trong các báo cáo của mình.
"Chúng tôi khẳng định cách tính chỉ số CPI của Việt Nam theo đúng thông lệ quốc tế, với hơn 750 danh mục mặt hàng đại diện, hơn 4.000 điểm lấy giá ở các tỉnh, thành phố", bà Hương nhấn mạnh.
Về băn khoăn tại sao Việt Nam có mức tăng CPI thấp hơn Mỹ, EU, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay Mỹ, EU có chỉ số CPI cao vì trong giỏ hàng thì xăng dầu chiếm 8-10% trong quyền số chi tiêu do người dân của họ tiêu thụ rất nhiều xăng dầu (ngoài việc sử dụng để phục vụ hoạt động đi lại, vận chuyển, còn sử dụng xăng dầu để sưởi...). Trong khi đó, ở Việt Nam, quyền số của xăng dầu trong chi tiêu chỉ chiếm 3,56%.
Hơn nữa, bà Hương đánh giá Việt Nam là nước nhập khẩu nhưng cũng là nước xuất khẩu dầu thô lớn. Chúng ta sản xuất dầu thô và chủ động sản xuất xăng dầu trong nước.
Cùng với đó, chỉ số CPI thế giới tăng cao do nhiều nước phụ thuộc nhập khẩu lương thực nên giá tăng cao, còn Việt Nam là cường quốc sản xuất về lương thực. Do vậy, chỉ số CPI của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Lê Thúy