Tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất được quy trình thông quan nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và an toàn phòng chống dịch giữa cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài.
Cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài thông quan trở lại từ ngày 18/8. |
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Trước đó, sau khi xuất hiện một số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến lái xe đường dài chở hàng xuất khẩu qua khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cơ quan chức năng cửa khẩu phía Quảng Tây (Trung Quốc) có tạm thời dừng hoạt động thông quan, rà soát lại và thống nhất với phía Lạng Sơn (Việt Nam) về các biện pháp nhằm tăng cường quy trình giao nhận hàng hóa qua khu vực Tân Thanh với mục tiêu bảo đảm lưu thông thông suốt hàng hóa xuất nhập khẩu và an toàn cho công tác phòng chống dịch giữa hai bên.
Tuy hoạt động thông quan hàng hóa đã được nối lại nhưng một trong những mối lo hiện nay khi xuất nhập khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông sản là bị siết chặt kiểm tra. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những biện pháp siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa, nông sản khi thông quan.
Tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác. Trong khi đó, nhiều hoa quả là thế mạnh chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng, na…).
Tại Quảng Ninh, việc giao nhận hàng hóa bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, phát sinh thêm chi phí. Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Hải quan Trung Quốc vừa có văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thy Lê