Công ty AGC cho biết, vào ngày 01/04/2024, một thỏa thuận được ký kết giữa hai bên, với nhiều điều khoản cụ thể, trong đó có phụ lục số 1 quy định rõ ràng về thỏa thuận tải cứng (Hardblock). Theo đó, AGC đã cam kết mua tải cứng cho chuyến bay VU750 với mức giá 8.500 đồng/kg và sản lượng 2.500 kg/chuyến.
Ngay sau khi ký kết hợp đồng, AGC đã tạm ứng số tiền 300 triệu đồng vào tài khoản của Vietravel Airline. Số tiền này sẽ được trừ dần vào các giao dịch vận chuyển giữa hai bên và AGC phải nạp thêm tối thiểu mỗi lần 100 triệu đồng vào tài khoản Vietravel Airline để đảm bảo tiền tạm ứng luôn dương, không phát sinh công nợ đối với các giao dịch vận chuyển giữa hai bên.
Hợp đồng này được thực hiện một thời gian ngắn thì tàu bay của chuyến VU750 ngừng bay để bảo dưỡng. Trong thời gian này, công ty AGC nhận được 2 email của Vietravel Airline vào các ngày 10/08/2024 và 13/08/2024, với nội dung mời đấu thầu giá cước vận chuyển chuyến bay VU750.
Hãng hàng không du lịch đầu tiên tại Việt Nam - Vietravel Airlines là thành viên của Vietravel Corporation - Tập đoàn du lịch hàng đầu Việt Nam. |
Đại diện công ty AGC cho biết, vì công ty đã có hợp đồng mua tải cứng chuyến bay này và điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng, cũng như tại phụ lục số 1, mọi vấn đề phát sinh hoặc thoả thuận mới sẽ được trao đổi bằng văn bản nên chúng tôi không thuộc diện phải đấu giá như thông báo bằng email của Vietravel Airline.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là vào ngày 18/09/2024, AGC bất ngờ nhận được email của Vietravel Airline thông báo đơn phương chấm dứt các thỏa thuận tại phụ lục số 1 của hợp đồng và cắt tải ngay lập tức. Trong khi Vietravel Airline không có bất cứ văn bản chính thức nào gửi tới công ty về việc này.
“Không rõ vì động cơ nào mà ngay sau khi bảo dưỡng tàu xong và có chuyến bay vào ngày 18/9/2024, Vietravel Airlines đã từ chối cấp AWB cho chúng tôi vào ngày 17/9/2024 và tự ý vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp khác trên chuyến bay VU750 mà AGC đang có hợp đồng tải cứng”, đại diện công ty AGC bức xúc.
Đại diện công ty AGC nhấn mạnh rằng, trong suốt quá trình hai bên thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, công ty AGC luôn tuân thủ các nguyên tắc của hàng không nói chung và Vietravel Airline nói riêng, đồng thời đem lại doanh thu và sản lượng cho hãng hàng không này.
Chính vì vậy, việc Vietravel Airline cắt tải đột ngột khiến doanh nghiệp bị động hoàn toàn, dẫn đến hàng hoá ứ đọng tại kho sân bay Tân Sơn Nhất. AGC không chỉ bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, uy tín, danh dự mà còn đối mặt với nguy cơ đền bù hợp đồng vận chuyển cho các đối tác thứ cấp, trong đó có cả đối tác nước ngoài số tiền hàng tỷ đồng.
Theo công ty AGC, hành vi mà Vietravel Airline thực hiện vừa qua là thiếu tôn trọng đối tác và vi phạm Điều 10 của hợp đồng, gây thiệt hại rất lớn cho AGC.
Cụ thể, tại Điều 10 hợp đồng đã ký nêu rõ: "Cả bên A và bên B đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng cách thông báo bằng văn bản cho bên kia chậm nhất là 30 ngày...". Trong khi đó, Vietravel Airline đơn phương gửi thông báo chấm dứt thỏa thuận chỉ bằng email là không phù hợp với các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.
“Hành động của Vietravel Airline sẽ kéo theo hệ luỵ rất lớn và có tác động tiêu cực đến cách nhìn nhận, đánh giá của đối tác trong và ngoài nước vào cả thị trường hàng không Việt Nam chứ không chỉ riêng Vietravel Airline. Vì vậy, công ty sẽ có động thái pháp lý liên quan, bao gồm cả việc thống kê thiệt hại và tiến hành khởi kiện yêu cầu đền bù thiệt hại theo quy định pháp luật”, đại diện công ty AGC cho hay.
Để thông tin được khách quan hơn, phóng viên đã liên hệ với Vietravel Airline và nhận được phản hồi: “Vietravel Airline đang tích cực làm việc với công ty AGC để giải quyết những vấn đề liên quan, và sẽ gửi thông tin chính thức sau khi hai bên đã đạt được thống nhất”.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sau khi vụ việc được phản ánh, đại diện AGC xác nhận với phóng viên là Vietravel Airline vẫn chưa liên hệ để tiến hành giải quyết các vấn đề trên.
Sự việc này đặt ra một câu hỏi lớn về cách mà Vietravel Airline sẽ hành xử trong tương lai. Liệu hãng sẽ thực sự nghiêm túc trong việc xem xét lại các quy trình và cải thiện cách thức giao tiếp với đối tác hay chỉ coi đây là một sự cố nhỏ trong quá trình hoạt động? Một câu trả lời rõ ràng và hành động cụ thể từ Vietravel Airline không chỉ có thể giúp khôi phục lòng tin của AGC mà còn là một tín hiệu tích cực cho ngành hàng không, khẳng định rằng sự tôn trọng và cam kết là những giá trị cốt lõi mà mọi doanh nghiệp cần phải gìn giữ.
VnBusiness sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
N.B