Báo cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, tính đến tháng 9/2024, Canada đã khởi xướng điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại với các hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam gồm 12 vụ việc chống bán phá giá, 5 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc phòng vệ, trong đó có 1 vụ chống bán phá giá mới phát sinh vào tháng 3/2024. Trong số 19 vụ việc liên quan đến Việt Nam, có 8 vụ vẫn còn đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc đang bị tiến hành điều tra, điều tra lại để gia hạn.
Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có thế mạnh như khung xe đầu kéo/khung xe container và tháp gió (turbin gió).
Ngoài ra, gần đây, Thương vụ cũng nhận được các thông tin sẽ có cuộc điều tra mới liên quan đến sản phẩm nội thất văn phòng bọc vải của Việt Nam và nguy cơ Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) sẽ tiến hành điều tra sản phẩm tháp điện gió và tấm năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam. Mặt khác, các vụ việc điều tra thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Canada đối với Việt Nam còn hiệu lực chủ yếu là sắt thép, ghế bọc đệm (trước đây còn có giày dép, tỏi), đặc biệt là đối với ngành sắt thép/luyện kim.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, khi đã điều tra một sản phẩm, Canada thường xem xét luồng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia liên quan, dù lượng xuất khẩu có thể không đáng kể. Ngoài ra, khi bị vào "tầm ngắm", các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Vì vậy, một số sản phẩm có nhiều nguy cơ khác của Việt Nam có thể là: Thép cuộn cán nóng, vít/khớp nối thép, sàn thép lưới, ống đồng, máy làm mát, máy sưởi nhiệt, gỗ ván sàn công nghiệp, ống khoan, ống đóng cọc và nhôm thanh định hình…
Trên cơ sở thiết lập quan hệ đối tác toàn diện đến thiết lập quan hệ FTA thông qua Hiệp định CPTPP, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Canada đã phát triển tích cực. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong các nước ASEAN và Canada là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ; xuất khẩu hàng Việt Nam sang Canada đang duy trì mức tăng trưởng cao.
Vì vậy, trong thời gian tới, trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP, Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo các mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh có thể tiếp tục trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Canada. Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang Canada cần tiếp tục tìm hiểu, cập nhật các quy định về phòng vệ thương mại của thị trường này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin thêm, gần đây, Canada có một số thay đổi lập pháp đối với các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng, bao gồm Đạo luật các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA), Đạo luật Tòa án Thương mại Quốc tế Canada, Quy định về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMR) và Quy định của Tòa án Thương mại Quốc tế Canada… Các sửa đổi này liên quan đến các điều tra chống lẩn tránh, đối phó với tình trạng nhập khẩu lớn, đánh giá thương tích, xem xét hết hạn và quyền của các công đoàn lao động trong việc nộp đơn khiếu nại về biện pháp phòng vệ thương mại.
Đáng lưu ý, theo bà Trần Thu Quỳnh là việc gần đây, Canada cũng thay đổi thời hạn thông báo cho nước xuất khẩu về quyết định khởi xướng điều tra vụ việc. Cụ thể, nếu như trước đây, Canada thông báo cho các Chính phủ liên quan 30 ngày trước khi quyết định điều tra. Nhưng hiện nay, quy định được sửa lại theo hướng chỉ thông báo 7 ngày trước đối với khiếu nại liên quan đến bán phá giá và 20 ngày đối với khiếu nại liên quan đến trợ cấp.
Vì vậy, bà Trần Thu Quỳnh khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần quan tâm, theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Canada là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều thứ 4 đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỹ) và nhiều nhất trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.
Hồng Hương