Cập nhật của Tổng cục Hải quan, hết tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,31 tỷ USD, tăng mạnh 43,67% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 1,31 tỷ USD).
Việt Nam xuất khẩu sang UAE chủ yếu các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép… Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Trung Đông này là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng 56,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điện thoại, linh kiện điện tử là một trong số những nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào UAE. |
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD. Có thể kể đến như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 357 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 380 triệu USD; giày dép các loại đạt 151,2 triệu USD…
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ UAE các mặt chủ yếu: dầu mỏ; khí đốt hóa lỏng; chất dẻo nguyên liệu; kim loại thường khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Cụ thể, hết tháng 9 đạt 653,46 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng gần 114 triệu USD). Trong đó, có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ UAE đạt kim ngạch trăm triệu đô gồm: sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 252,77 triệu USD; khí đốt hóa lỏng đạt 187,2 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 128,38 triệu USD.
Hết tháng 9, thương mại Việt Nam – UAE đạt gần 5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 3,66 tỷ USD.
UAE là nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh. Đây là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông, cũng là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
UAE có vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Những năm gần đây, UAE tích cực triển khai chính sách "hướng Đông", coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (trên 3 tỷ USD/năm).
Hai nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch thương mại trong tương lai gần và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Về đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với tổng số 42 dự án đầu tư trực tiếp (FDI), tổng vốn là 74,09 triệu USD, đứng thứ 52/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (tính lũy kế đến tháng 9/2024).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm, làm việc tại Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 27/10 đến ngày 1/11/2024. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Abu Dhabi, bắt đầu chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) theo lời mời của Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan từ ngày 27 – 29/10. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến UAE sau 15 năm nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với các nước. |
Thanh Hoa