Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2021, Nga và Ukraine là hai trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đông lạnh của Việt Nam tính theo giá trị.
Lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá ngừ đã và đang gặp nhiều khó khăn cả về đầu ra và đầu vào bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine (Ảnh minh họa: Int) |
Cụ thể, Nga hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 của Việt Nam. Năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Nga đạt hơn 14 triệu USD, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước. Đặc biệt, trong tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 427% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Ukraine hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng liên tục. Năm 2021, giá trị xuất khẩu tăng 106% so với năm 2020.
Các doanh nghiệp thành viên VASEP cho biết, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, một số đơn hàng đã xuất đi phải quay trở lại. Hiện, xuất khẩu cá ngừ sang hai thị trường này phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng và chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.
Đáng chú ý, VASEP cho biết, Nga và Ukraine đang là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Vì vậy, nếu cuộc xung đột tiếp tục leo thang, giá của hầu hết các loại dầu thực vật dùng để chế biến cá ngừ sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, đẩy chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp, đóng túi tăng theo.
Phương Linh