Hỗn hợp khí neon được sử dụng để cung cấp năng lượng cho laser dùng trong sản xuất chip. Việc tìm kiếm nguồn cung cấp khí neon khác ngoài Ukraine hiện gặp nhiều khó khăn, do khí phải được tinh chế đến độ tinh khiết 99,99%, một quy trình phức tạp mà chỉ một số công ty trên thế giới có thể làm được, trong đó có một số công ty có trụ sở tại cảng Odessa của Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine hiện có nguy cơ gây thêm áp lực đối với ngành công nghiệp sản xuất chip, do nguồn cung cấp khí hiếm quan trọng cho quá trình sản xuất bị siết chặt (Ảnh minh họa: Int) |
Theo các nhà phân tích về công nghiệp phụ trợ, xung đột Nga-Ukraine hiện có nguy cơ gây thêm áp lực đối với ngành công nghiệp sản xuất chip, do nguồn cung cấp khí hiếm quan trọng cho quá trình sản xuất bị siết chặt, làm tăng nguy cơ gián đoạn trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Ukraine hiện cung cấp khoảng 50% khí neon trên thế giới, một sản phẩm phụ không thể thiếu trong sản xuất chip.
Trước đó, các nhà sản xuất chip đã rất chật vật xử lý tình trạng thiếu linh kiện, giao hàng muộn và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, kéo theo các công ty phụ thuộc vào chip, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô, cũng phải đối mặt với sự chậm trễ trong sản xuất.
Một số công ty sản xuất của Mỹ, trong đó có Intel, cho rằng những hạn chế này sẽ kéo dài đến năm 2023.
Các công ty sản xuất khí hiếm cho biết có thể khai thác nguồn dự trữ, nhưng việc đổ xô tìm kiếm các nhà cung cấp ngoài khu vực Đông Âu đang gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá, không chỉ riêng khí neon mà còn cả các khí công nghiệp khác như xenon và krypton. Trong khi đó, 40% nguồn cung krypton toàn cầu cũng đến từ Ukraine.
Một số chuyên gia cảnh báo ngành công nghiệp ô tô, vốn đòi hỏi số lượng lớn chip quản lý năng lượng, sẽ phải đối mặt một làn sóng thiếu linh kiện mới so với đợt gián đoạn nguồn cung trước đó do đại dịch COVID-19 gây ra.
"Tất cả các sản phẩm sử dụng chip sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì chỉ những chip tiên tiến nhất mới không yêu cầu sử dụng khí neon trong quá trình sản xuất", chuyên gia Akira Minamikawa, thuộc công ty nghiên cứu thị trường Omdia nói.
Tại Việt Nam, trong năm 2021, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ ô tô cũng bị ảnh hưởng khá lớn bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung xe vì khan hiếm chip và chất bán dẫn khiến các hãng xe phải điều chỉnh sản xuất. Khủng hoảng chip xảy ra do một số chậm trễ trong sản xuất - tình trạng mà các hãng chip nói là do nhu cầu chip toàn cầu phục hồi quá nhanh so với dự kiến từ đại dịch Covid-19, khiến họ “trở tay không kịp”.
Đức Nguyễn