Sáng 30/8, Hyratek - công ty công nghệ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng điện toán biên cho trí tuệ nhân tạo (AI) đã công bố cam kết hỗ trợ dự án "Phục dựng ảnh liệt sĩ" của Thành Đoàn Hà Nội.
Hyratek sẽ đóng góp chuyên môn năng lực AI, hạ tầng và hệ thống xử lý ảnh bằng AI, kèm cung cấp kỹ thuật cần thiết cho dự án. Đáng chú ý, ngoài nhóm tình nguyện viên Màu hoa đỏ, cam kết này còn có sự đồng hành từ Qualcomm - “ông lớn” công nghệ hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực di động, kết nối và AI.
Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về quy trình phục dựng ảnh kết hợp AI. |
Chia sẻ tại sự kiện ký kết hợp tác, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đánh giá dự án phục dựng ảnh liệt sĩ là minh chứng cho việc ứng dụng AI vào cuộc sống một cách thiết thực: “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành hỗ trợ dự án. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại những kết quả tích cực cho cộng đồng, giúp tái hiện chân dung các anh hùng liệt sỹ một cách chân thực sống động".
Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO của Hyratek cho biết cá nhân ông đã đồng hành cùng nhóm Màu hoa đỏ từ các giai đoạn trước của dự án phục dựng ảnh liệt sĩ. Nhóm đã áp dụng AI nhưng do chưa chủ động về phần cứng nên không đáp ứng được yêu cầu hiệu năng, việc phục chế được thực hiện rất chậm. Ở giai đoạn này, Hyratek đã phát triển thành công hạ tầng phần cứng điện toán biên cho AI, với sự giúp sức từ Qualcomm, đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội khiến cho đây là thời điểm hoàn toàn phù hợp để triển khai dự án ý nghĩa.
Ông Tuấn cho biết, quy trình phục dựng ảnh truyền thống mất nhiều thời gian và không đồng đều về chất lượng do phụ thuộc vào chủ quan người thực hiện. Còn với sự giúp sức từ AI, hình ảnh phục dựng sẽ có được những đường nét tự nhiên, sống động chỉ trong thời gian ngắn.
“Thời gian phục chế rút ngắn còn 2 - 3 tiếng với bức hình hỏng rất nặng. Còn bức ảnh hỏng nhẹ hoặc đen trắng thì chỉ vài phút là xong”, ông Tuấn cho biết tiêu chí đặt ra là ảnh gốc chỉ cần có độ phân giải lớn hơn 1 megapixel và tối thiểu 50% gương mặt là có thể ứng dụng công nghệ để xử lý.
Trong quy trình 6 bước phục dựng, hiện phải làm 2 quy trình thủ công, còn lại hoàn toàn dựa vào AI.
“AI đã làm được 80% phần việc so với thực hiện thủ công hoàn toàn. 1 bạn tình nguyện viên biết cơ bản về chỉnh sửa thôi cũng có thể làm được 1 cái bức ảnh khổ 20 x 30 cm”, ông Tuấn cho biết.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội bày tỏ cảm kích trước sự hỗ trợ của Hyratek và Qualcomm: "Mục tiêu là thực hiện dự án đến khi phục dựng được hết số lượng ảnh các gia đình liệt sĩ gửi. Trong 2 tháng qua, với sự làm việc cật lực của các thành viên, dự án phục dựng được hơn 100 bức ảnh. Hi vọng việc ứng dụng công nghệ AI sẽ giúp cho quá trình phục dựng ảnh nhanh hơn rất nhiều lần, đáp ứng được sự mong mỏi của gia đình các liệt sĩ. Đây là một sự kết hợp giữa tương lai và lịch sử”.
Về dự án phục dựng ảnh liệt sĩ của Thành đoàn Hà Nội, từ khi thông báo thống kê vào cuối tháng 6, tính đến ngày 27/7, dự án đã nhận về 1.070 bức ảnh các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng mà các gia đình có mong muốn được phục dựng.
Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 7/2024 - 7/2025 chia làm 3 giai đoạn, trong đó:
Giai đoạn 1, trao tặng 350 ảnh trong đó (trao tặng 77 ảnh nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Thành đoàn Hà Nội tổ chức và 273 ảnh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô).
Giai đoạn 2, trao tặng 300 ảnh nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Giai đoạn 3, trao tặng 420 ảnh nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2025.
Đỗ Kiều