Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu và với các doanh nghiệp Việt, đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để bước vào kỷ nguyên của nhà máy thông minh. Sự kết hợp giữa công nghệ số như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và các giải pháp đổi mới sáng tạo không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn tối ưu hóa chi phí, giảm rủi ro và cải thiện chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng khi phải đối mặt với những thách thức về công nghệ, trình độ lao động và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tại Hội thảo “Khởi động, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ, nhà máy thông minh theo chuẩn 4.0,” TS. Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Nền tảng IoT - Tổng công ty Công nghiệp, Công nghệ cao Viettel (Viettel Hightech), đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại. Năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp so với các quốc gia phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 4.000 USD, chỉ bằng 1/18 của Mỹ và 1/10 của Hàn Quốc.
TS. Quý đưa ra nhận định rằng các nhà máy Việt Nam đang nằm ở điểm thấp nhất trong “Đường cong nụ cười” của Chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi các nhà cung cấp đến từ thị trường lớn như Mỹ hay Nhật Bản mới là những người dẫn đầu nguồn cung ứng do nắm được thiết kế và công nghệ lõi, giúp họ đạt thặng dư cao và năng suất vượt trội. Câu chuyện đó ở các doanh nghiệp Việt thì hoàn toàn ngược lại, phần lớn doanh nghiệp Việt chỉ tham gia vào công đoạn lắp ráp với giá trị gia tăng rất thấp.
Doanh nghiệp Việt số hoá quy trình sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiến tới nhà máy thông minh. |
Hệ quả này xuất phát từ việc các doanh nghiệp Việt không nắm trong tay công nghệ lõi và quy trình chủ chốt, dẫn đến thực trạng phải đi nhập nguyên liệu từ nước ngoài, sau đó lắp ráp rồi xuất khẩu luôn. Một yếu tố rất lớn khác là bởi, nhân công nội địa trình độ quá thấp, không thể đáp ứng nhiều hơn trong quá trình làm ra sản phẩm hoàn thiện.
Dù xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, giá trị thực sự để lại trong nước lại vô cùng hạn chế, đặt nền kinh tế Việt Nam trước thách thức lớn của bẫy thu nhập trung bình thấp. Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến một sự bùng nổ trong giá trị xuất khẩu, lẽ ra phải là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, giá trị để lại trong nước rất thấp.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, các chuyên gia đề xuất một vòng tuần hoàn giải pháp với những điểm nổi bật là lắp đặt công cụ giám sát, cảnh báo năng suất; tối ưu chuỗi cung ứng bền vững; đào tạo tay nghề cao và đầu tư hạ tầng, thiết bị thay lao động thủ công. Trong đó, có các công cụ dùng để đo lường hiệu suất hiệu quả là OEE (Overall Equipment Effectiveness) và PDM (Predictive Maintenance).
Theo ông Trần Hữu Công, Phó Giám đốc khối dịch vụ phần mềm IoT và Robotics toàn cầu, Công ty phần mềm FPT, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự hội tụ giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT). Tập đoàn FPT hiện đang nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm thế hệ robot 4.0 ứng dụng IoT, AI, thực tế tăng cường (AR/VR) và công nghệ song sinh số. Những robot này không chỉ tương thích với công nghệ máy móc của các nhà cung cấp, tính tái sử dụng và quan trọng nhất, tiết kiệm được số chi phí nhân công khổng lồ nhờ năng suất cao.
Nhà máy thông minh được xem là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Các tính năng nổi bật như kết nối liên tục, phân tích dữ liệu thời gian thực và tự động hóa quy trình sản xuất không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm.
TS. Nguyễn Thái Tùng, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định, để đạt được lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ. Ông Tùng đưa ra gợi ý: "Đối với các doanh nghiệp lớn, cần tự tiến hành hoặc thuê tư vấn để xây dựng lộ trình. Cụ thể hoá những chiến lược kinh doanh là bí quyết kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Song song đó, cần dự đoán các nhu cầu công nghệ, sản phẩm tương lai, và đưa ra cách thức tốt nhất để đạt được các nhu cầu đó. Sau khi đã xác định được chiến lược, tập trung vào phát triển sản phẩm và tối ưu hoá công nghệ, tiến hành quản lý và theo dõi việc triển khai lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ.”
Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, đổi mới công nghệ và xây dựng nhà máy thông minh là chìa khóa để bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội từ những tiến bộ công nghệ và chính sách hỗ trợ của chính phủ để tiến nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số.
Điều này không chỉ giúp tăng năng suất và giảm chi phí mà còn mở ra cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị cao cấp, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Mặc dù lộ trình xây dựng nhà máy thông minh mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc triển khai vẫn gặp không ít thách thức. Đầu tiên là chi phí đầu tư ban đầu cao, yêu cầu nguồn vốn lớn và dài hạn. Thứ hai, nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu cao về kỹ năng và trình độ. Thứ ba, hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp, từ chính sách đến hạ tầng, vẫn còn nhiều khoảng trống.
Dẫu vậy, với các giải pháp như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đầu tư vào nghiên cứu phát triển, nhà máy thông minh không phải là giấc mơ xa vời. Các doanh nghiệp cần hành động ngay hôm nay để chuẩn bị cho một tương lai đầy triển vọng trong nền kinh tế số hóa.
Nguyễn Hương