Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2019 với sắc màu ảm đạm chiếm áp đảo. Tuy chỉ số thị trường vẫn ghi nhận mức tăng đáng kể nhưng đang bị thử thách và “dậm chân tại chỗ” trong khoảng 9 tháng qua.
Nhiều nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn khi chỉ số vẫn mãi loanh quanh trong mức dưới 1.000 điểm và giao dịch cầm chừng. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự bất lợi từ thị trường tài chính toàn cầu và hạn chế cung tiền trong nước là nguyên nhân chính của diễn biến này và chưa thể khắc phục được trong những tháng cuối năm. Bối cảnh chung thị trường là thế nhưng xét từng ngành nghề vẫn có những cơ hội cho nhà đầu tư.
Tăng trưởng ổn định
Trong một báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) nhận định ngành bán lẻ tại Việt Nam là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài kể cả đầu tư tài chính và đầu tư kinh doanh. Thị trường bán lẻ của Việt Nam được hưởng lợi bởi nhiều yếu tố vĩ mô giúp ngành hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ hơn 10%/năm.
Hơn nữa, Việt Nam được biết tới như là đất nước có sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, tỷ lệ đô thị hóa cao, 40% dân số Việt Nam dưới 24 tuổi. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ cho các chuỗi bán lẻ hiện đại như Thế giới Di động (mã: MWG), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ), FPT Shop (mã: FRT) có được tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận 20 - 40%/ năm, cao hơn tương đối so với tăng trưởng trung bình ngành.
Hiện, trong ngành bán lẻ, VRE (Vincom Retail) đang là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất với gần 3,3 tỷ USD, tiếp đến là MWG với gần 2,5 tỷ USD, PNJ: 769,3 triệu USD, FRT: 151 triệu USD, còn lại là các mã nhỏ.
Trong đó, xét về tốc độ tăng trưởng vốn hóa thì MWG là cổ phiếu “thần tốc” với mức tăng tới hơn 800% kể từ ngày lên sàn (năm 2014) đến nay, từ khoảng 220 triệu USD lên hơn 2 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng vốn hóa bình quân gần 164%/năm.
Là doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ, mức vốn hóa của MWG được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới khi đà tăng của cổ phiếu này chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 tới nay, MWG đã ghi nhận mức tăng 49% từ 85.553 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 127.500 đồng/cp (phiên 1/10).
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, mức giá của MWG không chỉ dừng lại ở đó, mà sẽ còn tiến xa hơn, có thể đạt mức giá mục tiêu 160.000/cp.
Tương tự, đà tăng trưởng vốn hóa của PNJ cũng không kém cạnh, khi so với những ngày đầu giao dịch (năm 2009) đã tăng 1.193,3%. Thị giá của PNJ cũng tăng mạnh từ vùng giá hơn 4.000 đồng/cp lên 8x (theo giá đã điều chỉnh) như hiện nay.
Đáng chú ý, dù mới chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2017 nhưng vốn hóa của VRE (Vincom Retail) cũng tăng khoảng hơn 87%.
Cổ phiếu ngành bán lẻ được dự báo sẽ khởi sắc dịp cuối năm |
Mùa tăng trưởng
Theo nhận định của VDSC, trái với nhiều biến động trong bức tranh thương mại toàn cầu, môi trường vĩ mô trong nước vẫn đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hoạt động. Mặc dù các chỉ báo kinh tế vĩ mô không “rực rỡ” như giai đoạn 2017-2018, song vẫn diễn biến tích cực theo đúng mục tiêu điều hành và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Do vậy, sự chững lại trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để nhà đầu tư quan sát, tìm hiểu và tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, VDSC đánh giá từ “Tốt” đến “Khả quan” đối với các nhóm ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiêu dùng như các ngành bán lẻ, hàng không, công nghệ, bảo hiểm nhân thọ và dược phẩm.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2019 ước tính đạt 420.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung quý III/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2019 đã đạt đến 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,2%.
Đáng chú ý, cuối năm là thời điểm sức mua của người tiêu dùng Việt Nam tăng nhanh chóng và mạnh mẽ. Trong thời điểm này, hành vi mua sắm của người Việt có nhiều thay đổi đáng kể, người tiêu dùng có xu hướng thoải mái hơn trong chi tiêu.
Vì vậy, đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và xây dựng thương hiệu vững chắc tạo cơ sở cho cổ phiếu niêm yết trên sàn củng cố đà tăng.
Tuy nhiên, các chuỗi bán lẻ dù được hưởng lợi từ cơ cấu dân số nhưng đồng thời cũng có rủi ro cạnh tranh từ hình thức kinh doanh thương mại điện tử nên khiến cho triển vọng của các chuỗi này đồng thời có cả tích cực và tiêu cực. Điều đó cũng có thể tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên tìm điểm mua, bán phù hợp để tránh mất tiền.
Linh Đan