Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi tại Philippines là 33%, Thái Lan: 34%, Malaysia: 60%, Singapore: 90%…
Khối ngoại mở rộng "chân rết"
Tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam mới diễn ra, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết thời gian qua đã có một làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều đó cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.
Doanh nghiệp (DN) ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là Tập đoàn Central Group (Thái Lan) với việc mua lại hệ thống siêu thị Big C, siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam.
Một tên tuổi khác dù đến sau là Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) nhưng cũng nhanh chóng ghi dấu ấn với việc đầu tư 3 trung tâm mua sắm phức hợp Aeon Mall và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua việc mua lại thương hiệu Citimart.
Tập đoàn đến từ Hàn Quốc – Lotte đang hiện diện ở phân khúc siêu thị với hệ thống Lotte Mart và kênh mua sắm trực tuyến là Lottedatviet.vn.
Gần đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp - Auchan - cũng tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Theo kế hoạch đến năm 2020, Auchan sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị.
Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. "Thời gian vừa qua, các DN lớn của nước ngoài đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới", bà Nga chia sẻ.
Trong khi đó, chỉ có một số ít DN lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Phần lớn nhà bán lẻ trong nước có quy mô nhỏ và vừa, thiếu thốn từ vốn, con người, trang thiết bị và thông tin để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia.
Đặc biệt, các DN bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo….
Theo bà Vũ Thị Hồng Phượng, Đại học Thương mại, các DN bán lẻ trong nước đang phải chịu sức ép vô cùng lớn từ các nhà đầu tư ngoại. Thậm chí, tới 58% DN thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EU vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn. Chỉ khi DN tìm được hướng đi riêng và chủ động được các kế hoạch, chiến lược thì mới có thể tránh được sức ép và nguy cơ bị thôn tính, lấn át ngay trên chính "sân nhà".
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), lo ngại thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, nhiều cạnh tranh, nếu DN Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên thị trường trong nước.
Theo ông Vượng, cạnh tranh giữa các DN, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.
Vốn ngoại đổ bộ, ngành bán lẻ ngày càng cạnh tranh khốc liệt |
Khối nội phải biết liên kết
Mặt khác, các DN Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường. Thực tế hiện nay, đa phần DN nội chưa yên tâm với chiến lược "vừa cạnh tranh vừa hợp tác, hợp tác để tăng cường khả năng cạnh tranh". Chủ yếu là mạnh ai nấy làm, không có "nhạc trưởng" trong từng khâu của thương mại bán lẻ.
Ngoài những DN không chủ động hợp tác nói trên, hiện cũng có những DN trong nước mong muốn bắt tay liên kết với nhau để lớn mạnh hơn nhưng trong số đó, nhiều DN còn quá yếu, không đủ sức bù đắp cho nhau những thiếu thốn, dẫn đến việc phải bất lực chứng kiến cảnh các DN nước ngoài lấn sân.
Bà Phượng cho rằng rõ ràng cả hai xu hướng đó đều dẫn đến một kết cục là DN bán lẻ Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là những DN nhỏ lẻ, phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, việc liên kết với nhau để tổng hợp sức mạnh từ nhiều phía là hết sức cần thiết.
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Lê Việt Nga cho biết Nhà nước sẽ có các biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và tạo thuận lợi cho tập trung kinh tế trong nước, hình thành các tập đoàn bán lẻ quốc gia để có đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Tuy vậy, các DN cần chủ động tăng cường quản trị chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, cạnh tranh là động lực của sự phát triển và tham gia thị trường là phải biết chấp nhận cạnh tranh. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ có sự cạnh tranh gay gắt với sự "tấn công" ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài như hiện nay, bản thân các DN nội một mặt phải chuẩn bị kỹ lưỡng về các nguồn lực, đồng thời Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ thiết thực để giúp DN tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng bán lẻ… mà vẫn đảm bảo thực hiện thành công việc mở cửa hội nhập.
Cạnh tranh khốc liệt bao nhiêu, DN càng phải nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo bấy nhiêu. Trong đó, các DN bán lẻ Việt Nam cần phải đánh giá chính xác mức độ bão hòa của từng thị trường cụ thể, "biết mình biết ta" (hiểu rõ điểm nạnh, điểm yếu của bản thân cũng như đối thủ cạnh tranh trực tiếp và tiềm ẩn), dự báo các xu hướng thị trường và nhìn ra được thị trường tiềm năng.
Chẳng hạn, trong trường hợp thị trường thành thị đã bão hòa và bản thân không đủ sức cạnh tranh với các DN lớn của nước ngoài hoặc DN nội có quy mô lớn hơn và tiềm lực mạnh hơn…, DN cần phải chuyển hướng mở siêu thị ở các vùng nông thôn phù hợp; siêu thị quy mô lớn đã hết "đất" để hoạt động thì chuyển hướng sang mở siêu thị mini tiện lợi hoặc cửa hàng tiện ích.
Lê Thúy
Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội DN bán lẻ Việt Nam có khá nhiều lợi thế so với các nhà bán lẻ nước ngoài như tiềm lực về mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt Nam… Không có lý gì DN không phát huy những lợi thế vốn có kết hợp với các công nghệ hiện đại của thế giới. Thời đại bây giờ không chỉ là quảng cáo cái gì mà phải là sự khác biệt, sự đổi mới của từng DN bán lẻ Việt. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các DN trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, đồng thời để các DN có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ luật pháp và chính sách cho sự phát triển của thị trường bán lẻ. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách phù hợp bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ, bảo vệ hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. |