Trong năm 2019, chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng 33%, vượt trội hơn nhiều so với các chỉ số thị trường. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, chỉ số này lại được thúc đẩy chính bởi bộ đôi BID (BIDV) và VCB (Vietcombank), bởi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng khác chỉ có mức tăng nhẹ, thậm chí còn giảm.
Cổ phiếu ngược chiều
Sau khi phá đỉnh cũ thành công ở mốc 75.000 đồng/cp trong những phiên giao dịch đầu tháng 7, cổ phiếu VCB đã liên tiếp leo dốc và lập hết các kỷ lục này đến kỷ lục khác. Với mức giá 90.800 đồng/cp như hiện nay, VCB ghi nhận mức tăng hơn 72% so với đầu năm.
Tương tự, cổ đông của BIDV cũng trải qua những ngày thăng hoa khi cổ phiếu ngân hàng này đã vượt qua mức đỉnh cũ 45.000 đồng/cp, vươn lên mức giá 46.900 đồng/cp như hiện nay. Tuy nhiên, mức tăng của 2 “ông lớn” này được cho là đến từ những câu chuyện riêng.
Cụ thể, sau thông tin hoàn tất bán cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược KEB Hana Bank cùng thông tin sắp chia cổ tức tỷ lệ 14% cho năm 2017 và 2018, cổ đông BIDV cùng lúc đón nhận nhiều niềm vui khi vừa nhận cổ tức tiền mặt vừa nhìn thấy giá cổ phiếu tăng.
Hay như Vietcombank phát hành thêm cho nhà đầu tư GIC, cùng với dấu ấn quy mô lợi nhuận liên tục phá kỷ lục và nhiều nhận định “khen ngợi” từ các công ty chứng khoán lẫn quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, loại trừ 2 cổ phiếu này ra thì gần như thị giá cổ phiếu khác lại diễn biến trái chiều nhau. Tại nhóm cổ phiếu tăng giá, mức tăng duy trì ở mức thấp như VPB (VPBank) tăng nhẹ 3,1%, TPB (TPBank) tăng 5,5%, MBB (MB) tăng 7,5%, CTG (VietinBank) tăng 10%…
Theo thống kê chung, có tới 9/17 cổ phiếu ngân hàng đang có mức giá giảm so với thời điểm cuối năm 2018. Điển hình là ACB với mức giảm sâu gần 22%, tiếp đó là cổ phiếu STB của Sacombank giảm 13,4%, SHB giảm 9,7% , TCB của Techcombank giảm 8%.
Thậm chí, cổ phiếu SHB còn được đánh giá là “thảm” nhất ngành ngân hàng khi sau hơn 10 năm niêm yết, thị giá cổ phiếu này hiện chỉ loanh quanh ở mức 6.000 đồng/cp. Tính theo giá điều chỉnh, cổ phiếu SHB chưa bao giờ đạt nổi mốc 20.000 đồng/cp kể từ khi lên sàn.
Câu chuyện cổ phiếu nằm dưới mệnh giá quá lâu cũng khiến không ít cổ đông của ngân hàng bức xúc và chất vấn lãnh đạo tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4 vừa qua.
Nhóm cổ phiếu trên sàn UPCoM hầu hết đều có mức giảm cao, có thể kể đến như cổ phiếu LPB của LienVietPostBank giảm 15,4%; BAB của BacABank giảm 12,1%… Diễn biến trái chiều của giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán diễn ra trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng đều “ăn nên làm ra” với những con số lợi nhuận “khủng”.
Dù được đánh giá cao nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ít hấp dẫn được dòng tiền |
Không hấp dẫn người mua
Thực tế, diễn biến tiêu cực về giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng khiến các lãnh đạo ngân hàng đau đầu. Hàng loạt các đợt “cứu giá” bằng cách mua cổ phiếu quỹ được đưa ra.
Chẳng hạn như giữa tháng 10/2019, VPBank mua vào 24,7 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 49,5% cổ phiếu đăng ký mua trước đó), hay HDBank vào đầu tháng 12 cho biết chi hơn nghìn tỷ đồng để mua lại hơn 49 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 6/2019, TPBank hoàn tất mua lại 24 triệu cổ phiếu, nâng số lượng cổ phiếu quỹ lên hơn 30 triệu cổ phiếu, tương đương 3,5% vốn điều lệ. Vào cuối quý I/2019, MB cũng đã mua hơn 47 triệu cổ phiếu trong tổng số 108 triệu đơn vị đăng ký.
Tuy nhiên, thực tế là động thái này cũng không mang lại nhiều hiệu quả cao. Điều đó được chứng minh qua việc thanh khoản giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tiếp sụt giảm mạnh trong năm qua.
Nếu như năm 2018, cổ phiếu SHB đạt mức thanh khoản gần 2,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch thì đến năm 2019 chỉ còn gần 810 triệu cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu STB của Sacombank cũng chỉ còn khoảng gần 820 triệu cổ phiếu, giảm gần 65%. Thậm chí, ngay cả cổ phiếu có thị giá lớn nhất ngành là Vietcombank, khối lượng giao dịch cũng đã giảm gần 62% trong năm qua.
Điều này thể hiện nhóm cổ phiếu ngân hàng đang mất dần sức hấp dẫn đối với các NĐT trên thị trường chứng khoán. Lý giải về điều này, có ý kiến cho rằng dù lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng nhưng tốc độ đã suy giảm đáng kể.
Theo KBSV, nếu như trong năm 2018, lợi nhuận nhóm ngân hàng tăng cao nhờ đóng góp lớn của các hoạt động không thường xuyên như từ hợp đồng phân phối bảo hiểm, thoái vốn để đáp ứng quy định về giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và kinh doanh đầu tư chứng khoán…
Tuy nhiên, bước sang năm 2019, các khoản lợi nhuận đột biến suy giảm mạnh, còn tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát chặt hơn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, trong khi chi phí lãi, chi phí hoạt động gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Không chỉ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, bức tranh kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng còn cho thấy nguy cơ rủi ro gia tăng khi nợ xấu có xu hướng phình to trở lại. Tính đến ngày 30/9/2019, 23 ngân hàng đang “ôm” hơn 83.200 tỷ đồng nợ xấu, tăng 19% so với đầu năm.
Cơ cấu nợ xấu có chuyển biến đáng lưu ý khi nợ xấu tăng chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 31% lên hơn 46.973 tỷ đồng ở 23 ngân hàng, chiếm đến 56% tổng nợ xấu (tỷ lệ này hồi đầu năm là 51%).
Trong năm 2020, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn được dự báo sẽ cải thiện mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào tỷ trọng lợi nhuận toàn thị trường. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào hệ thống ngân hàng thông qua cổ phiếu trong năm nay có được thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Linh Đan