Ông Trần Minh Hoàng, Kinh tế trưởng, Giám đốc Phòng phân tích và nghiên cứu Chứng khoán Vietcombank |
Theo ông Hoàng, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, chỉ số Vn-Index đã đạt 996,56 điểm, tương đương mức tăng 10,4% so với đầu năm. Đóng góp vào mức tăng trưởng trên, không thể không nhắc đến vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đặc biệt, trong những tuần gần đây, thị trường tiếp tục chứng kiến đà tăng khá tích cực của nhóm cổ phiếu này và đây cũng là động lực chính dẫn dắt chỉ số tiếp cận vùng 1.000 điểm.
Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu này chưa có sự lan tỏa ra những nhóm ngành và cổ phiếu khác trên thị trường, do vậy, chưa đủ để giúp chỉ số chung vượt mốc tâm lý 1.000 điểm tính đến cuối quý III/2019.
Đặc biệt, áp lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư hiện nay vẫn luôn thường trực và có xu hướng gia tăng sau khi chỉ số chung đã nhiều lần thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 1.000 điểm trước đó.
Ông Hoàng cho rằng, để chỉ số vượt được ngưỡng 1.000 điểm bền vững, về các yếu tố nội tại trong nước cần gia tăng chất lượng và số lượng của các sản phẩm trên thị trường chứng khoán và cải thiện khuôn khổ các quy định pháp luật hiện hành sẽ là những yếu tố được nhà đầu tư quan tâm nhất trong giai đoạn tới, bên cạnh nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Chính phủ vẫn đang tích cực triển khai.
Về các yếu tố quốc tế, những diễn biến tiếp theo trong quá trình xử lý mối quan hệ thương mại và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tác động gián tiếp đến bối cảnh kinh tế - chính trị trong khu vực Đông Nam Á sẽ là những nhân tố chính ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn trong việc thu hút vốn đầu tư của thị trường chứng khoán Việt Nam.
N.L