Những năm gần đây người dân trên địa bàn xã Bản Mế đã biết liên kết nhau lại để phát triển kinh tế thông qua các nhóm cùng sở thích, liên kết sản xuất và thành lập HTX. Điển hình như HTX nông nghiệp Bản Mế do anh Hoàng Seo Chẩn làm Giám đốc.
Đổi thay ở xã Bản Mế
Anh Chẩn cho biết, quê anh ở thôn Na Pá, xã biên giới Bản Mế, huyện nghèo Si Ma Cai, nơi đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ. Núi cao, khe sâu, đường giao thông khó khăn, thiếu nước lại hay gặp thiên tai khắc nghiệt.
Sản xuất chủ yếu là trồng ngô bám theo núi đá và chăn nuôi nhỏ nên đời sống của bà con dân tộc Nùng, H’Mông, Thu Lao nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Cũng vì thế, rất nhiều thanh niên đã “dứt áo ra đi” qua biên giới làm thuê. Bản thân anh cũng là người đi xuất khẩu lao động để mong mỏi cuộc sống đổi thay tích cực hơn.
Ba năm đi xuất khẩu lao động theo chương trình việc làm của huyện và ngành LĐTB&XH tỉnh, anh Chẩn làm nghề hàn công nghiệp ở những nhà máy sản xuất ô-tô, máy bay lớn của các công ty Nhật Bản nên rèn được tính kiên trì, chính xác và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, nhất là tính kỷ luật và cung cách quản lý, phân công lao động, điều hành sản xuất của họ.
Anh Hoàng Seo Chẩn, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mế kiểm tra vườn ươm cây giống. |
Năm 2014 hết hạn lao động về nước, anh tiếp tục đầu quân vào một công ty Nhật ở tỉnh Bắc Ninh với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Hai năm sau, lại chuyển về Hà Nội dạy tiếng Nhật ở một trung tâm ngoại ngữ với mức lương 16 triệu đồng/tháng.
“Tôi đi làm thêm và dạy tiếng Nhật ở Thủ đô để có dịp làm quen với môi trường đô thị, nâng cao giao tiếp xã hội và kiếm thêm tiền, tích lũy thêm lưng vốn để thực hiện ước mơ khởi nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cao hơn, làm giàu cho bản thân và gia đình, anh em ở vùng quê đá nhiều hơn đất của mình”, anh Chẩn bộc bạch.
Trải qua nhiều môi trường lao động, học hỏi được kiến thức và kỹ năng anh Chẩn quyết định táo bạo là trở về Bản Mế khởi nghiệp bằng cách lập đề án, làm đơn đề nghị huyện và ngành chức năng giúp thành lập HTX nông nghiệp Bản Mế.
HTX nông nghiệp Bản Mế tạo việc làm cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số ở Lào Cai. |
Năm 2017, HTX nông nghiệp Bản Mế do anh Chẩn làm Giám đốc chính thức được thành lập với sự tham gia của 31 thành viên, tất cả đều là đoàn viên thanh niên, chuyên cung cấp các giống cây nông nghiệp. Sau thời gian hoạt động, đến nay HTX Bản Mế có hai vườn ươm cây giống, với năng lực sản xuất khoảng 20 vạn cây/năm. Các loại cây giống của HTX Bản Mế “chiếm lĩnh” được người dân các xã vùng cao, vùng sâu trong huyện nhà và lan dần sang các huyện vùng cao, biên giới khác như Bắc Hà, Mường Khương… bởi tỷ lệ sống rất cao, cây sinh trưởng nhanh.
Hiện tại, HTX nông nghiệp Bản Mế do chàng trai người H’Mông Hoàng Seo Chẩn làm Giám đốc thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động trẻ và hợp đồng theo thời vụ với khoảng 40 lao động, đa số là thanh niên và phụ nữ ở trong vùng, với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Giai đoạn 2018-2020, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 1,6 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, anh Chẩn còn giúp đỡ nhiều thanh niên và các hộ gia đình trong xã Bản Mế giống cây trả chậm không tính lãi, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí để mọi người hăng hái trồng rừng, chuyển đổi trồng ngô sang trồng quế, hồi, sưa … nhằm tạo nguồn thu ổn định và cao hơn. Hiện nay, đa số các gia đình do thanh niên làm chủ trên địa bàn xã Bản Mế đều có cuộc sống khá ổn định và sung túc, qua đó góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Bí thư Đoàn xã Bản Mế Lèng Văn Sài cho biết: “Từ tấm gương dám nghĩ, dám làm, quyết vượt lên nghèo khó, khởi nghiệp ngay tại quê hương của anh Chẩn đã thổi luồng gió mới cho hơn 150 đoàn viên, thanh niên địa phương tích cực phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập từ trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc”.
Năm 2020, anh Hoàng Seo Chẩn được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của cho nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh Lào Cai, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” của thanh niên nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ.
Từ một xã vùng cao với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai đã chuyển mình trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn dưới 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Một cuộc sống ấm no, sung túc đã thực sự ùa về trên mảnh đất vùng cao này.
Như gia đình chị Lèng Thị Phân, ở thôn Bản Mế 2, xã Bản Mế, từ một hộ nghèo, quanh năm thiếu đói, đến nay đã trở thành hộ dân có mức sống trung bình khá của thôn, với thu nhập lên tới gần 100 triệu đồng mỗi năm. Sự “đổi đời” này của gia đình chị Phân bắt đầu từ 2 con bò giống ban đầu hỗ trợ từ Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy dành cho huyện Si Ma Cai mà gia đình chị may mắn được hưởng lợi.
"Tôi được dự án hỗ trợ một cặp bò giống, lại được đào tạo trồng cỏ voi và cách chăn nuôi bò nên bò sinh sản tốt lắm. Sau 2 năm có bò con thì tôi chuyển cho gia đình khác để lại con giống tiếp tục chăm sóc. Bây giờ nhà tôi đã có 7 con bò đẻ rồi, nhờ vậy cuộc sống đỡ khổ hơn, các con được đi học đầy đủ", chị Lèng Thị Phân, thôn Bản Mế 2, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai chia sẻ.
Đến xã Bản Mế hôm nay, có rất nhiều gia đình đổi đời như chị Lèng Thị Phân, hay tấm gương đứng ra thành lập HTX không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp cho nhiều gia đình khác cùng phát triển như anh Hoàng Seo Chẩn. Bên cạnh đời sống bà con ngày một sung túc thì hệ thống cơ sở hạ tầng với các tuyến đường trục chính giao thông nông thôn cũng được địa phương chú trọng nâng cấp, đường dẫn về các thôn bản, đường nội đồng đều đã được bê tông rộng rãi, sạch đẹp.
Những ngôi nhà xây khang trang kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều, diện mạo nông thôn ở xã vùng cao Bản Mế đã có thay đổi rõ rệt. Đây là tiền đề, động lực để chính quyền địa phương, người dân xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai tiếp tục cùng nhau chung sức, chung lòng, nỗ lực đưa quê hương ngày càng phát triển.
Phương Nam
Bài 2: Cây tam thất góp phần xóa nghèo