Tại Lào Cai, số lượng người Mông đứng thứ hai sau người Kinh. Người Mông ở Lào Cai bắt đầu theo đạo Tin lành từ năm 1989. Sau hơn 30 năm, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 50 nghìn người Mông theo Tin lành của 6 tổ chức ở 8 huyện, thị, thành phố; 64 xã, thị trấn; với 133 điểm nhóm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt.
Lối sống văn hóa mới
Các mục sư và truyền đạo của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) có vai trò quan trọng trong việc hiệu chỉnh, hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo đúng theo nghi thức của Tin lành và đã tổ chức bồi dưỡng giáo lý cho các trưởng điểm nhóm. Hiện nay, tổng số người Mông theo hệ phái Tin lành Việt Nam (miền Bắc) ở Lào Cai tập trung ở các huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà.
Với tư tưởng tiến bộ, người Mông theo đạo Tin lành đã xây dựng nếp sống mới |
Với tư tưởng tiến bộ, người Mông theo đạo Tin lành đã xây dựng nếp sống mới, vệ sinh, tiết kiệm, xóa bỏ được một số tập tục văn hóa không còn phù hợp, rườm rà, là gánh nặng về kinh tế và tinh thần cho người Mông như trong cưới xin, tang ma, cúng bái khi bị ốm đau,...
Đặc biệt, người dân đã thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh và từ bỏ những hủ tục như không lấy vợ hai, không nghiện thuốc phiện, không cướp của, giết người. Họ làm theo những điều răn dạy trong Kinh thánh, đó là luôn làm điều thiện, tránh điều ác, và luôn hoàn thiện đạo đức cá nhân, nên đã góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội.
Anh Vàng A Lý, thuộc Hội thánh Cầu Mây, thị xã Sapa cho biết: Ở đây, các tín đồ luôn sống hài hòa, tin tưởng chính quyền địa phương, luôn tuân thủ pháp luật, hướng tới “chân, thiện, mỹ” để bản thân sống tốt đời, đẹp đạo. Các tín đồ luôn tập trung đông đủ tại nhà nguyện khi cán bộ trên thị xã xuống tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, bà con nhận thức đầy đủ hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, luôn đoàn kết, cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Còn theo Quản nhiệm Hội thánh Cầu Mây Giàng A Pâu: Điểm nhóm được Nhà nước tạo điều kiện và cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo, đã được đăng ký sinh hoạt điểm nhóm. Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đạo Tin lành được quan tâm. Đồng bào theo đạo được địa phương cho tham gia các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt áp dụng vào lao động sản xuất; tư vấn lao động, việc làm; được vay vốn phát triển sản xuất, con em được hưởng các chính sách về giáo dục, y tế... Đa phần tín đồ của điểm nhóm đều là hộ nghèo, cận nghèo song luôn có ý thức chấp hành pháp luật, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế.
Góp phần xây dựng quê hương
Bà Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nói chung, đồng bào công giáo, đạo Tin lành nói riêng. Đồng thời, các cấp, ngành địa phương luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng hạ tầng... tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào đạo Tin lành nâng cao đời sống. Ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng, các địa phương còn vận động nhân dân, đồng bào đạo Tin lành tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện để bà con được tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Người Mông theo đạo Tin Lành luôn nỗ lực xây dựng quê hương đất nước, phát triển kinh tế |
Ông Vàng Văn Dừng, Trưởng nhóm đạo Tin lành tại Xín Chải, thành viên Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp xanh Sapa, xã Tả Phìn, thị xã Sapa chia sẻ, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 7/7/2017, HTX được thành lập, gồm 3 tổ sản xuất, với 129 hộ thành viên, chủ yếu là người theo đạo Tin Lành.
HTX nông nghiệp xanh Sapa được Phòng NN&PTNT thôn thị xã Sapa hỗ trợ 75% kinh phí xây dựng 5.000m2 nhà lưới và hệ thống tưới. Nhờ vậy, hoạt động của HTX gặp nhiều thuận lợi, việc sản xuất được chủ động, năng suất rau các loại ổn định, chất lượng rau bảo đảm an toàn, giá thành ổn định, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm.
Phương châm của HTX là tiếp tục mở rộng sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách xây dựng thêm một số điểm giới thiệu, cung cấp sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trường trong, ngoài tỉnh.
Với nỗ lực góp phần phát triển kinh tế địa phương, năm 2008, HTX sản xuất chưng cất rượu truyền thống Thanh Kim, thị xã Sapa đã được thành lập, ban đầu chỉ với vài hộ gia đình tham gia. Đến nay, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, HTX đã thu hút trên 50 hộ gia đình địa phương tham gia, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 2 - 3 nghìn lít rượu, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.
Theo xu thế phát triển, HTX cũng đã áp dụng máy móc thiết bị vào sản xuất rượu, sử dụng nồi nấu công nghiệp, tủ nấu cơm, máy lọc, máy rót thay thế cho phương pháp nấu rượu truyền thống, nhằm đem đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Đồng thời, duy trì chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu rượu thóc Thanh Kim.
Anh Nguyễn Văn Thự, Giám đốc HTX chia sẻ: "Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng quê hương đất nước, chú trọng việc bảo tồn làng nghề, đảm bảo cuộc sống cho người dân theo đạo tại địa phương. Nhiều năm qua, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo, được khách hàng tin tưởng, cuộc sống của bà con nơi đây cũng tốt đẹp hơn".
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sapa cho biết, để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho đồng bào có đạo, thời gian tới, UBND thị xã sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn công tác tôn giáo cho cán bộ xã, phường, trưởng, phó các điểm nhóm; trưởng thôn, bản, tổ dân phố có đồng bào theo đạo.
Theo đó, thị xã sẽ làm tốt quy chế phối hợp giữa các tổ chức xã hội với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo để làm cơ sở phối hợp trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào theo đạo, hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của các tín đồ tôn giáo. Đồng thời, UBND thị xã tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả các chính sách đầu tư hạ tầng nông thôn cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào có đạo nói riêng.
Thu Hiền
Bài cuối: Đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất